Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình
(LĐXH) Nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), những năm qua, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 27-6-2016 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 15-10-2016 của UBND tỉnh về việc triển khai Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016, các sở, ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh thường xuyên phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Sở VH, TT và DL tuyên truyền các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình; biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình có sáng kiến, đóng góp tích cực, các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Từ năm 2016 đến nay, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã tổ chức tập huấn cho trên 478 cán bộ làm công tác Dân số - gia đình - trẻ em, cán bộ LĐ-TB và XH cấp xã, huyện; phát hành 12.500 tờ rơi; 278 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Hội LHPN tỉnh tổ chức toạ đàm với chủ đề “Chung tay phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” với sự tham gia của hơn 90 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Các ngành thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn, gắn với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hoạt động vay vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống tiếp tục được triển khai thực hiện. Năm 2016 đã có 19.412 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ (95,4%) được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, giúp đỡ học nghề, tạo việc làm. Ngành Y tế tăng cường công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Ngành VH, TT và DL thực hiện tốt việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án có liên quan như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ”, “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”; tuyên truyền, vận động và đưa các nội dung về bình đẳng giới vào việc xây dựng nội dung hương ước, quy ước thôn, xóm...; thực hiện thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hoá, các hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật đảm bảo không mang định kiến giới. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa tội phạm mua bán người, đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và các đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em. Sở Tư pháp phối hợp thực hiện tuyên truyền các văn bản pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài; triển khai các biện pháp tuyên truyền chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em đặc biệt thông qua mô hình sinh hoạt CLB Phụ nữ với pháp luật… Bằng các hành động cụ thể, thiết thực, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phụ nữ nói chung và phòng chống BLGĐ nói riêng đã được nâng lên.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác bình đẳng giới. Xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng BLGĐ. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống BLGĐ với nội dung, hình thức phong phú, ưu tiên đối tượng là nam giới và những gia đình thuộc nhóm có nguy cơ cao xảy ra BLGĐ. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy, kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ các cấp. Cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân BLGĐ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ. Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ BLGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia công tác phòng, chống BLGĐ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 95% số gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống BLGĐ; trên 95% số nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; trên 95% số người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi và trên 90% số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ./.
Hải Uyên
TAG: