An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Năm 2017, tỉnh An Giang phấn đấu giảm từ 1%-1,5% tỷ lệ hộ nghèo
12:41 PM 24/03/2017
(LĐXH) Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đầu năm 2016, toàn tỉnh An Giang có 45.789 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,45%;  27.876 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,15%; hộ nghèo dân tộc thiểu số là 7.295 hộ, chiếm tỷ lệ 27,46%/tổng số hộ dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2016, số hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống còn 36.726 hộ, chiếm tỷ lệ 6,75%.
Có được kết quả trên là do tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách giảm nghèo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tỉnh tập trung mọi nguồn lực để giảm hộ nghèo ở các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các đối tượng nghèo người dân tộc thiểu số, các xã biên giới, các xã vùng sâu, vùng xa, từng bước giảm nghèo theo hướng bền vững. Các cấp ủy Đảng đã tăng cường lãnh đạo, giám sát nâng cao vai trò quản lý, điều hành, phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, từng bước đã khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát  kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo.
Mô hình trồng nấm rơm ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu cho năng suất và thu nhập cao đã giúp nhiều hộ thoát nghèo
Kết quả trong năm 2016, An Giang đã cấp trên 313 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; Tổ chức khám, chữa bệnh cho 22.307 lượt người nghèo; Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho trên 150 nghìn học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo; Hỗ trợ đất ở cho 644 hộ với kinh phí 21 tỷ đồng đồng; Tổ chức tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí cho 1.195 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người già cô đơn...; Giải ngân cho 26.156 hộ vay, với số tiền 496,652 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo.  Chương trình 135 cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 mô hình giảm nghèo được áp dụng hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo như: Mô hình nuôi cá trong vèo, chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình trồng nấm rơm; may công nghiệp…
Để khắc phục những hạn chế và tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020. Mục tiêu phấn đấu là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,45% năm 2016  xuống còn dưới 3% năm 2020 (trong 05 năm giảm 2/3 hộ nghèo); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ  5,15% năm 2016 xuống dưới 2% năm 2020 (trong 05 năm giảm 2/3 hộ cận nghèo). Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống của người nghèo, trong đó tập trung ưu tiên đảm bảo các chính sách về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, đường giao thông đảm bảo cho người nghèo ngày càng tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu giảm 1%-1,5% tỷ lệ hộ nghèo, cố gắng không để phát sinh hộ nghèo mới và tái nghèo.
Để đạt được kết quả này, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo, giúp họ có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ,  ỷ lại vào sự trợ giúp của  Nhà nước. Tập trung dồn sức xóa dứt điểm từng hộ nghèo, khóm, ấp, xã nghèo. Tăng nguồn vốn đầu tư cho xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15%, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo, tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá các chương trình, dự án. Điều chỉnh mức hỗ trợ trong các chính sách giảm nghèo, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đổi mới cơ cấu phân bổ vốn đầu tư trong các chính sách, tập trung cho từng xã dứt điểm, lựa chọn đối tượng và nội dung hợp lý cho các chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó, tỉnh cũng ưu tiên tập trung nguồn lực cho các mục tiêu giảm nghèo như: hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm... tạo mọi điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường đối thoại với người nghèo để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đối tượng, từ đó có kế hoạch hỗ trợ làm ăn, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Đối với từng địa phương, cần có phương án lồng ghép hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với chương trình giảm nghèo; ngay từ đầu năm cần khảo sát lập danh sách hộ có khả năng thoát nghèo để tập trung hỗ trợ./.
Thu Hương
 
 

TAG:
Tin khác
Đào đông đỏ giá cả trăm triệu đồng chờ đại gia rước về trưng Tết
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn