An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Một số giải pháp thực hiện đổi mới chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam
02:26 PM 09/06/2020
Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm sóc bộ phận dân cư có hoàn cảnh khó khăn, với mục tiêu “không để lại ai ở phía sau”. Hệ thống văn bản quy định chế độ chính sách về an sinh xã hội, trợ giúp xã hội được nghiên cứu xây dựng, ban hành, có tác động tích cực đến đời sống của người hưởng lợi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Một số giải pháp thực hiện đổi mới chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam


Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động – TBXH đã trình ban hành hàng trăm văn bản, đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng 11 dự thảo văn bản (Nghị định về công tác xã hội, Nghị định thay thế Nghị định 136, sửa đổi Luật Người cao tuổi, 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án cho giai đoạn 2021-2020 và 01 Thông tư).
Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình đề án của Bộ, Chính phủ và Quốc hội, các địa phương cũng đã chủ động trong xây dựng ban hành văn bản, kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện, bổ sung quy định chế độ chính sách, giải pháp đặc thù của địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và đầy đủ của hệ thống chính sách, vừa bảo đảm tính toàn diện trong tổ chức thực hiện chính sách bảo trợ xã hội.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo "Định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin"
Thực hiện chính sách trợ giúp đột xuất, trong những năm qua thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp; bão, lũ lụt, hạn hán, lốc, xâm nhập mặn... đã và đang gây thiệt hại lớn đến đời sống dân sinh của người dân trên khắp cả nước. Để bảo đảm đời sống cho người dân, Bộ Lao động – TBXH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 136/2013/NĐ-CP, trong đó quy định chi tiết về đối tượng, chế độ chính sách và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Hàng năm, ban hành văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các địa phương bảo đảm nguồn lực để chủ động cứu trợ kịp thời cho người dân. Thường xuyên kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai. Các địa phương đã chủ động rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa, bão, thiên tai...; chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho người dân có nhu cầu.
Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã hỗ trợ 167.749 tấn gạo cứu đói cho gần 9,5 triệu lượt khẩu (riêng năm 2019 hỗ trợ 18.850 tấn cho 1,2 triệu lượt khẩu) và mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai. Từ 2017-2020, các địa phương cũng đã vận động và huy động 9.268 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết nguyên đán. Công tác trợ giúp đột xuất đã được triển khai tương đối tốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm các nguyên tắc bốn tại chỗ và các yêu cầu kịp thời, công khai, minh bạch, không để người dân cần cứu trợ mà không nhận được hỗ trợ. Kết quả này đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và đã được đưa vào 10 sự kiện nổi bật của ngành Lao động -TBXH năm 2018.
Đối với chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, triển khai thực hiện Nghị định 136, Bộ đã ban hành Thông tư quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc; Bộ cũng như các địa phương đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã; thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức… Nhờ đó, các chế độ chính sách đã được triển khai kịp thời, hiện cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,2 triệu đối tượng với tổng kinh phí trên 17 ngàn tỷ đồng. Thực hiện Quyết định 488/QĐ- TTg về đổi mới và phát triển hệ thống chính sách trợ giúp xã hội, đã có 11 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Công tác chi trả chính sách đã chuyển sang cơ quan Bưu điện, tạo điều kiện cho địa phương tập trung cán bộ cho công tác quản lý, kiểm tra giám sát.
Bên cạnh đó, cả nước có 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, 95% người cao tuổi có thẻ BHYT, hơn 1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ hàng năm. Đến nay đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội cho 1 triệu người khuyết tật. Đề án 32 đã hỗ trợ hoàn thiện kế hoạch đào tạo công tác xã hội hệ cử nhân ở 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội; hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 3.000 người. Thực hiện Nghị định số 103 và Quyết định số 565, cả nước đã thành lập và củng cố hoạt động của 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập), đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng. Tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội hiện đang làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội và mạng lưới tại cấp xã khoảng 35.000 người. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.
Giai đoạn vừa qua, Bộ Lao động - TBXH đã hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình trung tâm, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho khoảng 100 cơ sở trợ giúp xã hội. Nhiều mô hình trung tâm vận hành hiệu quả như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Hồ Chí Minh, Thái Nguyên… Các địa phương từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
 Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, Bộ Lao động - TBXH đã ban hành kế hoạch chi tiết xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; ban hành thông tư quy định về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội, người khuyết tật và giảm nghèo; thí điểm đăng ký cấp giấy xác nhận khuyết tật, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội và chi trả chính sách bằng phương thức điện tử tại Cao Bằng, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Qua thí điểm cho thấy, hệ thống đăng ký giải quyết chính sách đã giúp cho đối tượng thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách. Việc xác định đối tượng hưởng, quản lý, theo dõi chi trả, tổng hợp báo cáo cũng rất thuận lợi và chính xác.
Nhìn chung, trong 5 năm qua, các chỉ tiêu Chính phủ, Bộ giao về lĩnh vực bảo trợ xã hội đã được thực hiện thành công như: Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; Rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không để người dân nào bị đói; Hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai. Bảo đảm 90% người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý. Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội đã tăng lên.

Tặng quà hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Mặc dù nhận thức về công tác bảo trợ xã hội đã được nâng lên, nhưng ở nhiều nơi vẫn còn tư tưởng coi trợ giúp xã hội là làm nhân đạo, chưa thấy được trợ giúp xã hội là đầu tư... điều này đã tạo ra những rào cản trong tổ chức thực hiện chính sách. Tác động biến đổi khí hậu, dịch bệnh, già hóa dân số, di cư, công nghệ, hợp tác quốc tế... đang là những nguyên nhân làm tăng nhu cầu trợ giúp xã hội. Hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay chưa toàn diện, tính linh hoạt thấp, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình mới. Mức chính sách còn thấp, chưa phù hợp; một số địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách, đề án; một số chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý. Công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn bất cập, nhất là cơ chế khuyến khích về miễn giảm thuế, thuê đất, cấp đất, khung giá dịch vụ để khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.
Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025
Giai đoạn 2021 - 2025 được dự báo là do các nguyên nhân khách quan, chủ quan nhu cầu trợ giúp xã hội tiếp tục tăng. Đồng thời quá trình cải cách thể chế, cải cách kinh tế, những tác động của các yếu tố công nghệ, hợp tác quốc tế… là các yếu tố tác động, đỏi hỏi cần đổi mới toàn diện, sâu sắc lĩnh vực bảo trợ xã hội.
Mục tiêu tổng quát là tiếp tục nâng cao đời sống của các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trợ giúp xã hội nhằm từng bước mở rộng diện bao phủ chính sách, đổi mới cơ chế quản lý, huy động nguồn lực cho thực thi chính sách; tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện; đổi mới quy trình xác định đối tượng; giảm bớt trình tự, thủ tục, hồ sơ và thời gian ra quyết định chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách; ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, xét duyệt và chi trả chính sách cho đối tượng thụ hưởng; tăng cường hệ thống giám sát, đánh giá.
Mục tiêu cụ thể là: Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai. Bảo đảm 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; bảo đảm 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 100% đối tượng trợ giúp xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; bảo đảm cơ bản các đối tượng nhận trợ cấp xã hội bằng phương thức điện tử.
Một số nhiệm vụ chủ yếu:
1. Trình Chính phủ, Quốc hội Luật sửa đổi Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Nghị định thay thế Nghị định 136, Nghị định thay thế Nghị định 103, ban hành Nghị định Công tác xã hội; Nghị định xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia đối với người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển y tế lao động xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030, Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nắm chắc tình hình thiệt hại; bảo đảm ổn định đời sống nhân dân khi có thiên tai xảy ra; chủ động rà soát tình thiệt hại thiên tai để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện trợ giúp đột xuất ở địa phương. Đảm bảo 100% người dân gặp khó khăn do hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn, hoặc các lý do bất khả kháng khác được hỗ trợ các điều kiện sống tối thiểu về lương thực, thực phẩm, nhà ở, đất ở, công cụ sản xuất, dạy nghề, giới thiệu việc làm…
3. Thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; nghiên cứu, đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mở rộng trợ giúp xã hội nhằm đáp ứng bao phủ toàn bộ người cân có nhu cầu; xây dựng hệ thống đăng ký hưởng chính sách và chi trả điện tử; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện trợ giúp xã hội tại cộng đồng.
4. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức và địa phương tăng cường tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; đánh giá, tổng kết Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Đề án trợ giúp người khuyết tật, trên cơ sở xây dựng chương trình, đề án  giai đoạn 2021-2030.
5. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội; ban hành quy định khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội; áp dụng ngạch, bậc lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và chế độ phụ cấp đặc thù khác đối với công chức, viên chức công tác xã hội; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở công tác xã hội; đầu tư xây mới, sửa chữa và cải tạo cơ sở vật chất sở trợ giúp xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhân viên làm việc ở trung tâm, xã, huyện, tỉnh….
Ban hành tiêu chuẩn chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; ban hành chương trình, tài liệu đào tạo chăm sóc sức khỏe tâm thần; tài liệu mô hình kiểm soát trầm cảm tại cộng đồng; tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí...
6. Xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, bảo đảm đủ điều kiện trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
7. Ban hành khung pháp lý về cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; đánh giá, mở rộng phạm vi thí điểm, nhân rộng mô hình tiến tới cấp số, thẻ an sinh xã hội điện tử cho người dân trên toàn quốc.
8. Tăng cường hướng dẫn công tác chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, triển khai các nhiệm vụ lĩnh vực y tế lao động xã hội.
9. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực  trợ giúp xã hội./.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội

Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24