Cơn sốt giá vàng và sự can thiệp của NHNN
Giá vàng trong nước trong năm qua diễn biến đồng pha với giá vàng quốc tế. Trong một thời gian ngắn, giá vàng biến động mạnh. Việc người dân đổ xô đi mua vàng tạo ra áp lực lớn lên nguồn cung, khiến giá vàng tăng phi mã. Trong tháng 5, giá vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn gần 90 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải can thiệp bằng nhiều biện pháp để ổn định thị trường hơn.
Đầu tiên, NHNN đã sắp xếp lại một cách căn bản, đưa số lượng tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng xuống còn 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng.
Thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cũng đã được tổ chức, sắp xếp lại, với số doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là 6.681 doanh nghiệp.
Tiếp đó, cuối tháng 4/2024, NHNN đã thực hiện thành công 6 trong tổng 9 đợt đấu thầu vàng, cung cấp ra thị trường tổng cộng 48.500 lượng vàng miếng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.
Đến ngày 27/5, NHNN đã thông báo dừng đấu thầu vàng miếng. Sau đó, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp, lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để triển khai. Đây là biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động điều hành và quản lý thị trường vàng của NHNN.
Thống kê cho thấy, tổng từ ngày 19/4 đến ngày 7/11, cơ quan quản lý đã cung ứng thêm cho thị trường 354.100 lượng, tương đương khoảng 13 tấn vàng, ông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội hồi tháng 11.
Thông qua biện pháp can thiệp "ấn định" giá bán gần đây, vàng miếng SJC hiện về sát hơn với thế giới, mức chênh lệch khoảng 3-5 triệu đồng một lượng, tùy thời điểm.
Một cột mốc đáng chú ý khác phải kể đến là việc giá vàng lao dốc sau khi ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 11.
Giá vàng thế giới rơi tự do chủ yếu bởi sức mạnh của đồng USD đi lên. Cùng với đó, việc dòng tiền đổ dồn vào các kênh rủi ro khác, như thị trường cổ phiếu, thị trường tiền số,... cũng kéo giá vàng đi xuống. Bitcoin liên tục lập kỷ lục mới khi giới đầu tư đổ tiền vào các giao dịch được cho là sẽ hưởng lợi từ chính quyền mới của Donald Trump.
Giá vàng trong nước cũng “cắm đầu” theo giá vàng thế giới. Chỉ tính riêng hôm 7/11, giá vàng nhẫn chứng kiến sự trượt dốc chưa từng có. Mức giảm được điều chỉnh từng giờ, theo diễn biến của giá vàng thế giới. Tính tổng trong ngày 7/11, giá vàng nhẫn của các thương hiệu giảm từ 4,5 - 6,3 triệu đồng mỗi lượng ở chiều mua và hạ 4,35 - 4,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Đây là mức giảm kỷ lục của giá vàng trong nước trong một ngày từ trước đến nay.
Theo cập nhật đến ngày 27/12, giá vàng giao ngay thế giới ở mức 2.634,2 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.653,2 USD/ounce.
Còn tại trong nước, phiên sáng 27/12, vàng miếng các thương hiệu đang mua vào ở mức 82,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 84,5 triệu đồng/lượng.
Trong nước, phiên sáng 27/12, vàng miếng các thương hiệu đang mua vào ở mức 82,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 84,5 triệu đồng/lượng. Nguồn: FinCorp.
Giá vàng thế giới chạm đỉnh gần 2.800 USD/once
Năm 2024, thị trường vàng thế giới chứng kiến sự biến động hiếm thấy trong lịch sử. Diễn biến giá vàng trong năm 2024 cho thấy, giá vàng trên thế giới đã xô đổ nhiều kỷ lục, từ mốc 2.500 USD/ounce, 2.600 USD/ounce, 2.700 USD/ounce đến đỉnh cao kỷ lục gần 2.790 USD/ounce (ngày 31/10).
Trong năm qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã sử dụng công cụ cắt giảm lãi suất như một cách để kích thích nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái hoặc khủng hoảng. Việc cắt giảm lãi suất khiến đồng USD suy yếu, lợi suất các tài sản khác như trái phiếu, cổ phiếu cũng sụt giảm theo. Điều này khiến vàng trở thành một sự lựa chọn về nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư lo ngại mạo hiểm, giúp họ bảo vệ được tài sản của mình trong tình trạng kinh tế bất ổn.
Bên cạnh đó, các cuộc xung đột Nga – Ukraine và Irael – Hamas đã tạo ra một cơn sóng thần trên thị trường tài chính, đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng lên cao chưa từng thấy.
Để đối phó với tình hình này, nhiều nhà đầu tư đã tích cực đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng cách tăng tỷ trọng vàng.
Báo cáo về Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng vàng thế giới công bố hồi quý III/2024 cho thấy: “Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỷ USD do các khoản đầu tư mạnh mẽ trong bối cảnh giá vàng tăng cao kỷ lục”.
Năm 2024, giá vàng trên thế giới đã xô đổ nhiều kỷ lục
Giá vàng năm 2025 thế nào?
Báo cáo triển vọng giá vàng năm 2025 mới công bố vào trung tuần tháng 12/2024 của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết thị trường vàng sẽ đối mặt với hai kịch bản rõ rệt trong năm tới khi sự bất định chi phối tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, kịch bản cơ sở của họ dự đoán giá vàng sẽ biến động tương đối trung lập nếu các điều kiện thị trường hiện tại tiếp tục duy trì.
Triển vọng không chắc chắn của vàng xuất hiện khi giá đã tăng trở lại mức 2.700 USD/ounce. Kim loại quý này có khả năng kết thúc năm với mức tăng gần 30%, đây là đợt tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
Các nhà phân tích tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết mô hình của họ cho thấy thị trường vàng sẽ trở nên phức tạp hơn khi nhà đầu tư đánh giá sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
“Thị trường đồng thuận rằng các biến số kinh tế vĩ mô như GDP, lợi suất và lạm phát, nếu nhìn theo cách đơn giản, đều cho thấy vàng sẽ có tăng trưởng tích cực nhưng ở mức khiêm tốn trong năm 2025.
Giá vàng có thể tăng mạnh hơn nếu nhu cầu từ ngân hàng trung ương vượt kỳ vọng hoặc nếu điều kiện tài chính xấu đi nhanh chóng, thúc đẩy dòng vốn trú ẩn an toàn. Ngược lại, nếu chính sách tiền tệ đảo chiều và lãi suất tăng cao, vàng có thể đối mặt với nhiều thách thức" - các nhà phân tích nhận định trong báo cáo.
Hội đồng Vàng Thế giới cũng nhấn mạnh rằng một rủi ro lớn khác đối với vàng là các chính sách kinh tế không chắc chắn của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, bao gồm đề xuất áp thuế hỗ trợ sản xuất nội địa, có nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc chiến thương mại.
Nhiều nhà kinh tế nhận định rằng thuế thương mại cao hơn có thể khiến lạm phát vốn đã khó giảm tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến lập trường chính sách tiền tệ hiện tại của Fed.
Một số ngân hàng vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng, hiện giao dịch quanh mức 2.600 USD/ounce. Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, trong khi UBS AG (một ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ) đưa ra con số 2.900 USD/ounce.
Các chuyên gia từ ngân hàng hàng Goldman Sachs Group Inc. cho biết giá vàng sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm tới nhờ lực mua từ ngân hàng trung ương và các đợt cắt giảm lãi suất của Mỹ.
Đồng thời, ngân hàng này xếp vàng vào danh mục giao dịch hàng hóa hàng đầu cho năm 2025 và dự báo giá có thể tăng mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump.
“Hãy đầu tư vào vàng,” nhóm phân tích của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. nhận định trong một báo cáo, đồng thời nhắc lại mục tiêu giá 3.000 USD/ounce vào tháng 12/2025. Họ cho biết động lực dài hạn đến từ nhu cầu tăng cao của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, yếu tố thúc đẩy chu kỳ sẽ là dòng vốn đổ vào các quỹ ETF khi Fed cắt giảm lãi suất.
Hành động của Trung Quốc trên thị trường vàng cũng sẽ được theo dõi sát sao. Cho đến nay, các nhà đầu tư ở quốc gia châu Á này đã hỗ trợ giá vàng, trong khi người tiêu dùng vẫn dè dặt. Tuy nhiên, “những động lực này phụ thuộc vào các tác động trực tiếp (và gián tiếp) của thương mại, các biện pháp kích thích kinh tế và nhận thức về rủi ro,” Hội đồng Vàng Thế giới nhận định.
Minh Hằng