Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Môi trường Xanh - Sạch - Đẹp tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa
01:27 PM 27/02/2023
(LĐXH)- Phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, khuôn viên khang trang, không gian trong lành, thoáng mát đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp (CĐNCN) Thanh Hoá.
Trường CĐNCN Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 1985/QĐ/BLĐTBXH ngày 29/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật công nghiệp Thanh Hóa, là một trong số 10 trường cao đẳng nghề đầu tiên của cả nước.
Với bề dày truyền thống, Trường CĐNCN Thanh Hóa là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo lao động đa ngành nghề, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Hiện trường đang đào tạo 57 chương trình các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp - ngắn hạn, cao đẳng liên thông, trong đó những nghề hiện nay xã hội đang có nhu cầu cao như: Công nghệ ô tô; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật điện tử; Hàn; Sửa chữa điện dân dụng; Quản lý vận hành điện; Cắt gọt kim loại...
Trong những năm qua, đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã và đang tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong từng khóa học, từng ngành học. Cùng với đó, nhà trường luôn chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm định chất lượng đào tạo nghề; đồng thời chỉ đạo các khoa, phòng, ban, các tổ chức, đoàn thể bám sát bộ tiêu chí đánh giá chất lượng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành để đánh giá đúng thực trạng, xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các đề án cải tiến chất lượng phù hợp.
Cơ sở vật chất khang trang, không gian sạch đẹp, thoáng mát của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa
Để đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp (DN), nhà trường thường xuyên chỉ đạo các tổ bộ môn chỉnh sửa, biên soạn giáo trình, chương trình môn học/mô đun. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế tại các DN và điều kiện trang thiết bị của nhà trường. Với phương châm "Lấy người học làm trung tâm và đào tạo những gì xã hội cần", những năm qua, nhà trường đã nỗ lực mở rộng liên kết với các DN để tăng khả năng đào tạo, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ gắn với dịch vụ sản xuất.
Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của trường ngày càng được nâng cao, học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Bên cạnh đa dạng hóa ngành nghề theo yêu cầu của xã hội, nhà trường đã tích cực đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; hợp tác với các DN trong và ngoài tỉnh đào tạo theo đơn đặt hàng, tuyển dụng lao động và giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.
Đến nay, nhà trường đã đào tạo và cung ứng lao động theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần LILAMA 69-1, LILAMA 18, Công ty Cổ phần COMA 17 các nghề Điện công nghiệp, Điện lạnh, Công nghệ ô tô, Hàn, Tiện, Cắt gọt kim loại... với mức thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Qua điều tra khảo sát, hàng năm, tỷ lệ HSSV của Trường CĐNCN Thanh Hóa ra trường có việc làm đạt trên 90%.
Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Trường CĐNCN Thanh Hóa đã tạo được những bước đột phá mạnh mẽ, xây dựng nhà trường ngày càng đổi mới, phát triển bền vững. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống xã hội. Đến nay, nhà trường đã khẳng định được vị thế của mình, được nhân dân gửi trọn niềm tin.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, Trường CĐNCN Thanh Hóa còn rất chú trọng đến việc xây dựng môi trường xanh - sạch – đẹp, thân thiện, cảnh quan hài hòa, thoáng mát.
Học sinh thực hành nghề Công nghệ ô tô 
Trường CĐNCN Thanh Hóa tọa lạc tại số 64 Đình Hương, Phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa, được xây dựng trên vùng đất đắc địa, gồm 2 khu: khu trường phía Đông và khu trường phía Tây, mặt tiền cùng hướng ra quốc lộ 1A với thiết kế hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển về xây dựng. Tổng diện tích nhà trường 88.000 m2, bao gồm: 38 phòng học lý thuyết với diện tích 3.040m2; 82 phòng - xưởng thực hành với diện tích 19.988 m2 và các công trình khác đảm bảo các điều kiện về dạy và học cho quy mô 3.000 - 3.500 học sinh, sinh viên .
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐNCN Thanh Hóa cho biết: Để xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, từ nhiều năm qua, ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì trường lớp, đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cũng như kế hoạch làm sạch trường lớp, giữ gìn vệ môi trường ở tất cả các khu vực trong khuôn viên trường.
Cùng với đó, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng những quy định về nếp sống văn hóa, thiết kế các bảng biểu, áp phích và bố trí, sắp xếp ở những vị trí phù hợp,  đảm bảo tính tiện dụng và mỹ quan. Vào dịp Tết trồng cây hay các hoạt động ngoại khóa do Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức, các hoạt động chỉnh trang, tu sửa trường lớp, tạo cảnh quan sạch đẹp, trồng cây bóng mát, cây ăn quả, xây dựng các bồn hoa, trồng cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ đã được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia hưởng ứng.
Mỗi lần tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HSSV, các thầy cô lại tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, tác động tích cực và tiêu cực của môi trường đến đời sống con người, từ đó xây dựng nhà trường thực sự là một cơ sở giáo dục không chỉ đào tạo nên những lao động lành nghề, mà còn là nơi rèn luyện cho học sinh, sinh viên về lý tưởng, nhân cách, lối sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên.
Diện tích cây xanh của nhà trường bao gồm: hệ thống cây xanh, cây bóng mát, chậu hoa cây cảnh, thảm cỏ… được bố trí hợp lý và mang tính thẩm mỹ cao, được định kỳ chăm sóc nên tạo không gian  xanh mát, tươi đẹp quanh năm. Nhà trường còn xây dựng ghế đá dưới các tán cây bóng mát giúp học sinh có không gian thoải mái để đọc sách, thư giãn, trao đổi kinh nghiệm học tập, tạo cảm giác gần gũi và thân thiện. Hiện nay, 100% các đơn vị trong nhà trường đều đạt tiêu chuẩn, an toàn, lành mạnh và thân thiện, môi trường xanh - sạch - đẹp.
Hoạt động xây dựng môi trường học đường thân thiện, khuôn viên xanh - sạch - đẹp tại Trường CĐNCN Thanh Hóa đã tạo không gian gần gũi, thân thiện đối với giáo viên, học sinh, sinh viên mỗi khi đến trường, tạo năng lượng tích cực để thầy và trò làm việc và học tập. Không chỉ vậy, điều đó còn tạo nên không gian, cảm giác gần gũi với các đối tác, khách hàng, phụ huynh học sinh đến thăm và làm việc tại trường ./.
Thảo Lan
 

 

 

 

TAG: Môi trường Xanh - Sạch - Đẹp
Tin khác
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024: Vinh danh 60 thầy cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc
TP.HCM: Hơn 430 học sinh, sinh viên tranh tài tại Hội diễn văn nghệ GDNN cấp Thành phố
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất