Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Môi trường điều dưỡng xanh bên bờ biển Lộc Hà
10:09 AM 26/09/2022
(LĐXH)- Huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có bãi biển dài 12km cách trung tâm huyện hơn chục km với nhiều bãi tắm thơ mộng. Biển thoải, cát trắng mịn, trên là núi Bằng Sơn, dưới là biển, giữa là dải rừng phi lao xanh ngắt tạo cho nơi đây một phong cảnh quyến rũ. Đây được coi là nơi lý tưởng để các đối tượng người có công với cách mạng đến nghỉ ngơi và điều dưỡng.
Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống yêu nước. Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, Hà Tĩnh có 28.455 liệt sĩ, 47.163 thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; 7.151 người nhiễm chất độc hóa học, 575 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, gần 2.000 mẹ Việt Nam anh hùng.
Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 429.474 lượt hồ sơ đối tượng người có công, gồm: 1.528 cán bộ lão thành cách mạng, 901 cán bộ tiền khởi nghĩa; 26.483 liệt sĩ, 1.974 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 35 Anh hùng Lao động trong kháng chiến và Anh hùng Lực lượng vũ trang; 37.461 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 10.030 bệnh binh; 6.507 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 612 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, 256 người có công giúp đỡ cách mạng; trên 215.200 người được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Nhằm thực hiện trách nhiệm lớn lao, tình cảm sâu sắc, đạo lý cao cả, tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh được thành lập năm 1999 với nhiệm vụ chính là tổ chức chăm sóc, điều dưỡng các đối tượng chính sách người có công.
Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2 cơ sở cách nhau hơn 15 km. Trụ sở chính nằm trên địa bàn xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh, tập trung nuôi dưỡng các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội. Cơ sở 2 là Khu điều dưỡng người có công với cách mạng nằm ngay sát bờ biển Lộc Hà (đóng tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà), được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013.
Người có công đến điều dưỡng chơi môn bóng chuyền hơi dưới môi trường xanh - sạch - đẹp
Đến nay, Khu điều dưỡng người có công ở gần bờ biển Lộc Hà, cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị tương đối đầy đủ với khu nhà dưỡng sinh, nhà chăm sóc đối tượng đặc biệt, căng tin, cổng chính, khu vui chơi thể thao, phương tiện đưa đón, máy móc thiết bị y tế...; các phòng ngủ đều được lắp máy điều hòa, ti vi, trang bị tủ quần áo, chăn ga, gối, đệm…
Ông Phạm Khánh Mười, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh, cho biết: Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022, đơn vị đang quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tập trung 109 đối tượng, gồm: 05 người có công với cách mạng, 70 đối tượng bảo trợ xã hội, 13 đối tượng hưởng và có hưởng theo Nghị quyết số 98/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh và 23 đối tượng tự nguyện. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, Trung tâm còn tổ chức đón tiếp và phục vụ điều dưỡng tập trung từ 2.500 - 3.000 người có công với cách mạng tại Khu điều dưỡng người có công Lộc Hà.
Tính từ ngày 12/7 đến thời điểm giữa tháng 8/2022, Trung tâm đã tiếp đón và tổ chức điều dưỡng tập trung được 05 đoàn điều dưỡng người có công với cách mạng, với tổng số 437 lượt người có công và thân nhân người có công của huyện Đức Thọ và huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Qua đó, nâng tổng số đại biểu điều dưỡng từ đầu năm 2002 đến nay lên 1.820 lượt người/3.350 lượt người, đạt 55% kế hoạch cả năm. 19 đoàn điều dưỡng của 9 địa phương trong tỉnh đến điều dưỡng tại Trung tâm, gồm các huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, Hương khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh.
Đối với công tác điều dưỡng tập trung, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đoàn về điều dưỡng và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong mỗi đợt điều dưỡng. Ngay sau khi đón tiếp, cán bộ Trung tâm lập hồ sơ sức khỏe và thường xuyên kiểm tra cho các đối tượng. Đồng thời, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, công chức, viên chức khi phục vụ người có công từ thức ăn, đồ uống phải chọn thực phẩm ngon sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giàu dinh dưỡng. Khi đưa các đối tượng về phòng nghỉ phải hướng dẫn sử dụng tỷ mỉ các trang thiết bị, dụng cụ, vật dùng trong phòng, vệ sinh sạch sẽ gọn gàng, giúp đỡ những người già yếu, bệnh tật như khi tắm giặt, trải chăn, mắc màn khi ngủ.
Bên cạnh đó, thường xuyên thay đổi thực đơn, cơ cấu món ăn phù hợp với thời tiết và vùng miền; phục vụ chế độ dinh dưỡng đảm bảo chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid -19.
Cứ mỗi sáng hoặc chiều, người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm lại đi bộ ra tắm biển Lộc Hà
Trong mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm tổ chức các buổi nói chuyện thời sự; tư vấn về sức khỏe; chiếu phim màn ảnh rộng; tổ chức, phục vụ giao lưu văn nghệ giữa đoàn với Trung tâm. Tổ chức tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu như: ngâm chân thuốc bắc, xông hơi, massage, điện xung... Tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao như: đánh bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, bóng chuyền hơi; tắm biển và nhiều hoạt động vui chơi giải trí bổ ích khác.
Không chỉ vậy, các đoàn đến điều dưỡng, Trung tâm còn dành thời gian (từ 1 – 2 ngày) để dưa đoàn người có công và thân nhân người có công đi tham quan một số điểm di tích lịch sử trên địa bàn, như: Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Cửa Sót, Khu tưởng niệm Nguyễn Du, Khu tưởng niệm Hà Huy Tập, Hồ Kẻ Gỗ...
Phó Giám đốc Trung tâm Phạm Khánh Mười, trao đổi với chúng tôi: Nhiều năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ điều dưỡng người có công, chăm sóc người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh còn quan tâm tạo dựng môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Để tạo dựng khuôn viên trong lành, thoáng mát, đơn vị thường xuyên phát động các đợt lao động vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên, trồng cây xanh, cây bóng mát, cây cảnh; cắt cử nhân viên, đoàn viên thanh niên chăm sóc cây cảnh, dọn vệ sinh môi trường vào những ngày nghỉ và những ngày trước khi đón tiếp các đoàn điều dưỡng. Đặc biệt, Trung tâm còn quán triệt tới cán bộ, nhân viên, nơi nghỉ của các đối tượng đến điều dưỡng phải luôn được dọn vệ sinh sạch sẽ, thay ga giường, chăn gối thường xuyên, đảm bảo sạch đẹp...
"Đến nay, cơ sở vật chất, nhất là Khu điều dưỡng người có công ở gần bờ biển Lộc Hà được đầu tư khang trang với môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã trở thành địa chỉ quen thuộc để sẻ chia, điều dưỡng đối với những người có nhiều cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc. Sự quan tâm, chăm sóc tận tâm, chu đáo của cán bộ, nhân viên nơi đây đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, góp phần thể hiện tấm lòng tri ân với thế hệ cha anh" - Phó Giám đốc Phạm Khánh Mười, chia sẻ.
Chí Tâm
TAG:
Tin khác
Quảng Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Yên Bái đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thái Nguyên: Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chính sách người có công
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Ngôi nhà ấp áp nghĩa tình
Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật