Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cho người cao tuổi
(LĐXH) - Trong 2 ngày 23-24/11/2020, tại thành phố Hải Dương, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức Hội thảo kỹ thuật Nghiên cứu, đề xuất mức chuẩn và lộ trình mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội lộ trình hướng đến thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW và Quyết định 488/TTg.
- Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tham dự, có TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối quốc gia Dự án ASXH, Tổ chức Lao động quốc tế; đại diện một số đơn vị trong Bộ, tổ chức quốc tế, Lãnh đạo Sở Lao động – TBXH một số tỉnh, Ban Công tác người cao tuổi, Phòng Bảo trợ xã hội, Cơ sở Trợ giúp xã hội các tỉnh, thành: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu...
- TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị xã hội. Hệ thống pháp luật và chính sách trợ giúp xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực trợ giúp xã hội ngày càng lớn. Các lĩnh vực trợ giúp xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị xã hội. Mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội được hình thành và mở rộng, gia tăng số lượng người dân được thụ hưởng dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác trợ giúp xã hội vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục như: Nhiều cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp xã hội chưa được hệ thống hóa. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính xã hội chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng và người dân có nhu cầu dựa vào cộng đồng. Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội chưa được áp dụng toàn diện gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người tâm thần.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhằm đề xuất phương án mức chuẩn trợ giúp xã hội và lộ trình mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
TS. Nguyễn Ngọc Toản đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi về chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, phương án mở rộng diện bao phủ trợ cấp xã hội cho đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi; thảo luận các giải pháp tăng cường thực hiện trợ giúp xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay, cũng như các vấn đề liên quan đến ASXH, trợ giúp xã hội.
- ThS. Nguyễn Trung Thành, Cục Bảo trợ xã hội trình bày phương án mở rộng diện bao phủ trợ cấp xã hội
và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, triển khai thực hiện Nghị định 136, Bộ đã ban hành Thông tư quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Bộ cũng như các địa phương đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện xã; thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức… nhờ đó mà các chế độ chính sách đã được triển khai kịp thời. Hiện cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho gần 3,2 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí thực hiện trên 17 ngàn tỷ đồng. Thực hiện Quyết định 488 về đổi mới và phát triển hệ thống chính sách trợ giúp xã hội, đã có 11 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Công tác chi trả chính sách đã chuyển sang cơ quan Bưu điện, tạo điều kiện cho địa phương tập trung cán bộ cho công tác quản lý, kiểm tra giám sát.
Đối với chính sách với người cao tuổi đến nay, cả nước có 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 95% người cao tuổi có thẻ BHYT, hơn 1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ hàng năm, 106 bệnh viện có khoa Lão khoa, hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 9.575 xã, phường, thị trấn thành lập được quỹ chăm sóc với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng, 1.900 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thành lập ở 55 tỉnh, thành phố, thu hút 65 nghìn NCT tham gia.
Bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh thực trạng cơ chế huy động nguồn lực, mức trợ giúp xã hội và đề xuất cơ chế huy động nguồn lực, điều chỉnh mức trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Theo đó, kinh phí trợ giúp đột xuất: Giai đoạn 2011-2019, NSTW đã hỗ trợ địa phương 913.313 tấn gạo, trị giá khoảng 8.900 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 xuất cấp là 120.000 tấn. Các địa phương cũng đã tổ chức huy động ngân sách địa phương, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng. Về mức độ bao phủ đối tượng, TGXH ở VN được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ các nhóm đối tượng theo nguyên tắc vòng đời nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của con người trong suốt cuộc đời. Các nhóm đối tượng hưởng TCXH hàng tháng không ngừng được mở rộng, ngày càng tăng về số lượng và tỷ lệ so với dân số. Mức chuẩn TCXH được xây dựng trên nguyên tắc dựa trên nhu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu của dân cư được điều chỉnh phù hợp với khả năng cân đối của NSNN theo từng thời kỳ. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trình HĐND quyết định mức chuẩn TCXH, các mức trợ cấp cao hơn mức quy định của Chính phủ (có 11 địa phương quy định mức cao hơn). Từ năm 2007 đến năm 2013, mức chuẩn TCXH được điều chỉnh 3 lần, tăng 2,25 lần (năm 2007 là 120 ngàn đồng; năm 2010 là 180 ngàn đồng; năm 2015 là 270 ngàn đồng); Các mức TCXH cụ thể được thiết kế theo hệ số 5 bậc từ 1-1,5 - 2-2,5- 3 cho các nhóm đối tượng sống tại cộng đồng và 5 bậc từ 3-3,5 - 4-4,5-5 cho các nhóm đối tượng ở cơ sở TGXH theo mức độ khó khăn và nơi sinh sống.
- Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Cùng theo Bà Vũ Thị Hải Yến, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2014. Tuy nhiên do chưa quan tâm đến nguồn lực đảm bảo dẫn đến không thực hiện được đầy đủ và kịp thời. Cụ thể: Từ ngày 01/01/2015 thực hiện đối với người thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, đối tượng sống trong cơ sở BTXH theo Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 04/10/2014 của Chính phủ; Từ ngày 01/01/2016 mới thực hiện trợ cấp cho toàn bộ đối tượng. Về điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp: Mức chuẩn trợ cấp theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP tương đương với 25 kg gạo, bằng gần 20% mức lương cơ sở, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của đối tượng; Từ năm 2013 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh mức lương cơ sở và mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp người có công với cách mạng tăng 4 lần, tăng 30%; chuẩn nghèo thu nhập 2 lần, tăng 75%. Hiện nay có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến cách tiếp cận hỗ trợ đối tượng: tiếp cận theo quyền con người hay theo nhu cầu.
Cùng với đó đề xuất cơ chế huy động nguồn lực, điều chỉnh mức trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam như: Việc đề xuất điều chỉnh mức chuẩn TGXH cần phải được xem xét trên tổng thể của việc đề xuất sửa đổi chính sách TGXH bao gồm: Sửa đổi, bổ sung đối tượng trợ giúp (hàng tháng, đột xuất); Điều chỉnh mức chuẩn TGXH hàng tháng; Điều chỉnh hệ số trợ cấp và mức trợ giúp đột xuất. Về đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng trợ giúp hàng tháng: Ưu tiên mở rộng một số nhóm đối tượng sau: Nhóm người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến đủ 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống ở miền núi, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang (204.500 đối tượng); Nhóm trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo (2.823 đối tượng); Nhóm trẻ em dưới 16 tuổi thuộc một số trường hợp tăng 17 tỷ đồng (Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng TCXH; Cả cha và mẹ đang hưởng TCXH; Cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng TCXH; Cha hoặc mẹ đang hưởng TCXH...).
Các nhóm khác cân nhắc chưa mở rộng đối tượng: Nhóm trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo hoặc hộ cận nghèo tăng 907 tỷ đồng; Nhóm người nhiễm HIV, người mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ cận nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng tăng 561 tỷ đồng; Người thuộc hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ… đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi tăng 864 tỷ đồng.
Đề xuất các phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội: Có 4 phương án: Phương án 1: Mức chuẩn 500.000 đồng từ ngày 01/01/2021; Phương án 2: Mức chuẩn 360.000 đồng từ 01/01/2021 lên 500.000 đồng từ 01/01/2023; Phương án 3: Mức chuẩn 360.000 đồng từ 01/07/2021 lên 400.000 đồng từ năm 2023 và bổ sung 3 nhóm đề xuất ưu tiên; Phương án 4: Mức chuẩn 360.000 đồng từ 01/07/2021 lên 500.000 đồng từ năm 2023. Mở rộng 6 nhóm theo dự thảo nghị định lấy ý kiến ngày 23/11.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các đại biểu giới thiệu: Phương án mở rộng diện bao phủ trợ cấp xã hội và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP; Mở rộng diện bao phủ ASXH cho người cao tuổi theo Nghị quyết 28-NQ/TW và Quyết định 488; Tham luận của các địa phương trong việc mở rộng trợ cấp cho các đối tượng khác; Trợ giúp xã hội và trợ giúp khẩn cấp thích ứng trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh (Covid-19).../.
Hồng Phượng
TAG: