Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Mô hình kinh tế thành công của một thương binh có ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên
10:17 AM 10/11/2023
(LĐXH)-Vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ông Nguyễn Thành Dân là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng ở địa phương. Nghị lực vượt khó của gia đình ông là động lực, niềm tin để các thế hệ trẻ trên địa bàn học tập và noi theo.
Ông Nguyễn Thành Dân ở thôn Thịnh Vượng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, Yên Bái bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979. Với sự nhiệt huyết và tinh thần quả cảm của tuổi trẻ, ông  cùng đồng đội đã chiến đấu hết mình, không chịu lùi bước trước quân địch. Nhiều đồng đội của ông đã rời bỏ đồng đội ra đi mãi mãi, còn ông may mắn hơn là được sống xót về với một phần cơ thể không lành lặn.
Năm 1982, ông Nguyễn Thành Dân rời quân ngũ. Sau khi về địa phương, phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ và thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Dân đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và có gần 30 năm tham gia các chức vụ cán bộ chủ chốt ở địa phương.
Thương binh Nguyễn Thành Dân chăm sóc, thu hái lá dâu tằm
Năm 2020, ông chính thức nghỉ công tác. Lúc này, ông mới có thời gian suy nghĩ nhiều hơn cho việc làm kinh tế. Thời gian qua, kinh tế gia đình ông cũng không mấy khá giả. Toàn bộ gia tài là vài sào ruộng. Bản thân ông lại chịu ảnh hưởng của những vết thương chiến tranh thường xuyên tái phát nên vì vậy cuộc sống gia đình ông cũng từng gặp không ít trở ngại.
Những lúc vết thương tái phát hay khi cuộc sống thiếu thốn, thương binh Nguyễn Thành Dân luôn tâm niệm, trong chiến đấu người chiến sĩ không khuất phục trước kẻ thù thì về địa phương cũng không thể nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, cái đói cái nghèo đeo bám được. Người lính trên trận mạc, kiên gan trên mặt trận chống quân thù bao nhiêu thì càng phải anh dũng trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu bấy nhiêu.
Hành trình “khởi nghiệp” của ông  bắt đầu từ mô hình trồng dâu nuôi tằm. Để đạt được hiệu quả cao, ông đã tìm hiểu về khoa học kỹ thuật, tham gia những buổi tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng và học trên tài liệu sách vở. Với sự bền bỉ và quyết tâm, mô hình trồng dâu nuôi tằm của ông dân đã thành công ngoài mong đợi. Một năm sau – năm 2021, ông Dân đã vận động các hộ trong thôn thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng dâu nuôi tằm với 10 thành viên. Dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của ông, các thành viên trong hợp tác luôn hăng say làm việc, tạo nên năng suất và chất lượng công việc cao. Cứ thế, quy mô của Hợp tác xã mỗi ngày một lớn mạnh, đến nay đã tăng lên 23 thành viên. Diện tích trồng dâu của gia đình thương binh Nguyễn Thành Dân hiện nay đạt  gần 1 ha, mỗi năm thu được trên 1 tấn kén và mỗi năm thu mua trên 7 tấn kén cho bà con trong thôn.
Nhận thấy một số hộ dân ở xung quanh vẫn còn nghèo khó, phải ly hương, bỏ nhà, bỏ ruộng ở quê để đi làm ăn xa, ông Dân đã thuê lại đất để mở rộng diện tích trồng dâu thêm 1ha nữa. Nhờ đó, ông đã giúp thêm những gia đình đó có thêm nguồn thu nhập ổn định hàng tháng và lại  tạo việc làm thời vụ cho 7 lao động ở địa phương với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, ông còn trồng gần 1 ha quế từ 7 đến 10 năm tuổi, gần 100 cây bưởi Diễn… Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông có thêm một khoản thu nhập trên 200 triệu đồng.  
Không chỉ năng động phát triển kinh tế gia đình, thương binh Nguyễn Thành Dân còn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của thôn xóm, địa phương, đặc biệt ông luôn hết lòng giúp đỡ anh em đồng đội tìm hướng thoát nghèo. Ông Dân luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương, đi đầu trong việc thành lập Hợp tác xã góp phần nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm từ cây dâu tằm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. 
Trong cuộc sống hằng ngày, ông luôn răn dạy con cháu sống sao cho xứng đáng với những gì thế hệ cha anh đã cống hiến cho Tổ quốc, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong thôn từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Là người có uy tín trong cộng đồng, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và xây dựng thôn, xã ngày một tốt hơn, thương binh Nguyễn Thành Dân thật xứng đáng là người lính Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương, nêu gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo./.
Hồng Phượng
 
 
TAG: thương binh Nguyễn Thành Dân thôn Thịnh Vượng xã Quy Mông huyện Trấn Yên
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24