An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lồng ghép các nội dung công tác xã hội trong chăm sóc người tâm thần để đạt hiệu quả phòng ngừa và phục hồi tốt nhất
02:49 PM 09/03/2023
(LĐXH) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 05 cơ sở Trợ giúp xã hội, trong đó 01 cơ sở công lập và 04 cơ sở ngoài công lập thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý. Các cơ sở Trợ giúp xã hội ngoài công lập đều được UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép hoạt động, thực hiện việc hỗ trợ tiếp nhận, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi… Trong đó chỉ có 02 cơ sở tiếp nhận, nuôi dưỡng đối tượng là trẻ em.

Thực hiện Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận chủ động tham mưu UBND tỉnh công văn 1741/UBND-VXNV ngày 12/4/2021 chỉ đạo triển khai thực hiện  đến các đơn vị có liên  quan trên địa bàn tỉnh về Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng theo quy định. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, các buổi truyền thông cho cán bộ, lãnh đạo làm công tác nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở Trợ giúp xã hội để nâng cao năng lực và tăng cường kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, UBND xã, phường phối hợp với các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, tham mưu UBND huyện, thành phố để các đối tượng này được nhận hỗ trợ theo quy định. Phối hợp quản lý tốt các đối tượng trong tình hình dịch, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng tại cơ sở. Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với một số đối tượng tại cơ sở thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng; công tác chăm lo đời sống, sức khỏe, cấp thẻ Bảo hiểm y tế, cứu trợ gạo, hỗ trợ kinh phí Tết cho các đối tượng tại các cơ sở luôn được các địa phương ở Ninh Thuận quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất.

Các đối tượng xã hội được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội Trần Châu

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang quản lý và nuôi dưỡng 238 đối tượng, gồm người cao tuổi, trẻ em và người tâm thần, riêng cơ sở 2 (tại thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) chăm sóc, nuôi dưỡng 200 người tâm thần, trong đó có 87 người tâm thần đặc biệt nặng, 74 người tâm thần nặng và 39 đối tượng phục hồi, thuyên giảm. Về mặt chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ trung tâm đã xác định lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí là một trong những lĩnh vực đặc biệt vất vả, khó khăn gặp nhiều trở ngại nhất. Trong khi đó, hoạt động này đa phần vẫn đang thiên về thực hiện các chế độ hỗ trợ của Nhà nước (theo Nghị định 20) để duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa có các phương pháp trợ giúp hiệu quả, phù hợp với thực tế để phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh bố trí sắp xếp chu đáo cho các đối tượng từ khâu đón nhận theo giới tính và mức độ bệnh. Hàng tháng, trung tâm đều phối hợp với Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội tỉnh duy trì khám, lập hồ sơ theo dõi và nhận cấp thuốc điều trị cho người bệnh. Nhằm giúp các đối tượng được ổn định bệnh lý, bên cạnh duy trì uống thuốc đều đặn cho các đối tượng ngày 3 lần theo đúng phác đồ điều trị, trung tâm còn đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng thông qua giải pháp lao động trị liệu, thể thao, giải trí; hướng dẫn các đối tượng tự vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở, đảm bảo môi trường sống gọn gàng, sạch sẽ… Việc ăn uống của người bệnh tại trung tâm cũng được cán bộ, nhân viên chăm sóc tận tình. Để làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho các đối tượng, Trung tâm duy trì phân công đội ngũ cán bộ, y sĩ điều dưỡng trực 24/24h.

Ngoài việc trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người tâm thần, được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng. Hằng năm, Trung tâm đều tham gia các lớp tập huấn, cập nhật những quy định mới của chính sách an sinh xã hội, các đề án như đề án phát triển nghề công tác xã hội cho cán bộ, công chức Lao động-Thương binh và Xã hội, cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức.

Cùng với việc điều trị y tế, người tâm thần thật sự cần được tiếp cận các hoạt động công tác xã hội

Để phòng ngừa và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí hiệu quả thì ngoài việc điều trị y tế, các hoạt động công tác xã hội cũng rất quan trọng, bao gồm tư vấn, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu, trợ giúp học nghề gắn với việc làm, giải quyết trợ cấp xã hội và trợ giúp khác tại cộng đồng theo hướng điều trị theo hệ thống mở kết hợp điều trị thuốc và tái thích ứng xã hội. Do đó, thời gian tới đây, đơn vị sẽ nỗ lực vận dụng và tiến hành triển khai đồng bộ các mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng kết hợp với điều trị duy trì và hoạt động công tác xã hội để can thiệp, hỗ trợ phục hồi toàn diện cho người bệnh tâm thần phân liệt./.

Trần Huyền

 

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa