An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lào Cai: Huy động nguồn lực tập trung giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn
02:33 PM 25/08/2021
Đến hết năm 2020, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Lào Cai vẫn còn rất nhiều xã nghèo, trong số đó, có các xã rất chậm phát triển, tỉ lệ nghèo ở mức cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, Lào Cai quyết định tập trung nguồn lực đầu tư cho 10 xã khó khăn nhất.
Có xã tỉ lệ hộ nghèo lên tới 36%
Năm 2019, UBND tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TU của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Qua 2 năm thực hiện, tỉ lệ hộ nghèo ở 37 xã thuộc Nghị quyết số 20 đã đạt kết quả khả quan. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đạt 11,24% so với năm 2019. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội của các xã thuộc Nghị quyết số 20 còn rất khó khăn. Đến hết năm 2020, còn 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo rất cao gồm: Hoàng Thu Phố, Lùng Cái (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chảy (huyện Văn Bàn), La Pan Tần, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương).
Tỉ lệ hộ nghèo ở các xã trên từ 28% trở lên, cá biệt, xã Nậm Chảy tỉ lệ hộ nghèo lên tới trên 36%, tập trung chủ yếu là đồng bào Mông. Thu nhập bình quân đầu người của các xã này đạt khoảng 21 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng nông thôn mới, bình quân các xã mới đạt 10,2/19 tiêu chí. 80% lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo. Một bộ phận người dân còn mắc các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mê tín dị đoan.
Cán bộ hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai (Lào Cai) trồng cây ăn quả
Xem xét các yếu tố tác động đến tình hình kinh tế - xã hội chậm phát triển của 10 xã nghèo kể trên, có thể thấy điểm chung nhất là tất cả đều có địa hình đồi núi, chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, các xã này có đông đồng bào DTTS sinh sống, chiếm trên 98%, trong đó, chủ yếu là đồng bào Mông. Tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu; năng suất lao động thấp. Một bộ phận người dân có tư tưởng ỷ lại, không tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Trong khi đó, công tác quy hoạch sản xuất còn hạn chế; chưa hình thành các vùng hàng hóa rõ nét, chưa xác định được thế mạnh của địa phương để khai thác hiệu quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đúng và trúng, nên sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất
Trên cơ sở đánh giá các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững đã triển khai, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất cho 10 xã kể trên để tạo sự bứt phá rõ nét. Mục tiêu hướng đến là tạo sự chuyển biến nhanh, rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giảm dần khoảng cách về phát triển kinh tế-xã hội của 10 xã so với các xã khác trong tỉnh. Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân từ 8% trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2025 của từng xã gấp trên 2 lần so với năm 2020. Đến năm 2025, mỗi xã phấn đấu đạt tối thiểu 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, sẽ tăng cường, luân chuyển cán bộ có phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt, có kiến thức chuyên sâu, nhất là về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và phát triển sản xuất về công tác tại 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ lao động trên địa bàn những xã trên. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên, bổ sung nguồn vốn vay tạo việc làm cho các xã nghèo để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình được vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên nâng cao nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động người DTTS. Qua đó, tạo điều kiện cho lao động được làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tham gia xuất khẩu lao động, hỗ trợ điều kiện sinh kế, tạo việc làm tại chỗ.
Về giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai định hướng, trước hết, xác định cụ thể về điều kiện, lợi thế của từng xã để phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, cơ sở bảo quản, chế biến từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai sẽ rà soát, đánh giá lại các quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn để nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với các xã nghèo theo hướng hỗ trợ cho vay, không thực hiện theo hình thức cho không. Đồng thời, tập trung vào tháo gỡ cơ chế chính sách về tín dụng vốn (hạn mức, điều kiện thế chấp) nhằm hướng đến trực tiếp cho hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn để thực hiện các mô hình, dự án sản xuất nông, lâm nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai thực hiện giải pháp tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới về hạ tầng vùng nông thôn ở 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao. Trước hết, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực công trình giao thông, tiếp đến là hệ thống trường, trạm, thủy lợi và các công trình cấp điện sinh hoạt./.

Bích Nguyên
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công