An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện An Lão: Phấn đấu đến năm 2025, thoát khỏi huyện nghèo
11:52 AM 14/12/2023
(LĐXH) - Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thoát khỏi huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đề ra.

Tặng quà cho hộ nghèo tại huyện An Lão

An Lão là huyện vùng cao, huyện nghèo duy nhất của tỉnh Bình Định, có 10 đơn vị hành chính cấp xã, có 57 thôn (có 08/10 xã đặc biệt khó khăn, 40/57 thôn đồng bào dân tộc thiểu số).  Huyện có 9.493 hộ, 33.240 nhân khẩu (trong đó dân tộc thiểu số có 3.382 hộ, 12.288 nhân khẩu). Giai đoạn 2016 - 2020, nhờ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo huyện An Lão giảm đáng kể, tính chung cả giai đoạn giảm 31,72%, bình quân mỗi năm giảm 7,35% vượt chỉ tiêu đề ra (hàng năm giảm 5%/năm).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện An Lão gặp nhiều khó khăn, thách thức như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, giá trị gia tăng thấp; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh nhưng vẫn còn ở mức khá cao, chưa bền vững. Theo kết quả rà soát hộ nghèo đầu kỳ (năm 2021) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn 55,33% (trong đó có 3.313 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 36,13%; 1.760 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 19,20%. Hộ nghèo DTTS: 2.384 hộ, hộ cận nghèo DTTS: 277 hộ).

Quán triệt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về công tác giảm nghèo và mục tiêu phấn đấu đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào cuối năm 2025, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông qua việc ban hành các đề án chương trình, kế hoạch cụ thể cho cả giai đoạn; giao chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn, từng năm cho từng xã, thị trấn với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều hàng năm từ 9%/năm trở lên, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn  dưới 20%.

Công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được quan tâm

Trong giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn các Chương trình MTQG phân bổ cho huyện An Lão là 297.827 triệu đồng. Trong đó, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện được trung ương phân bổ 189.245 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 158.890 triệu đồng; vốn sự nghiệp 30.355 triệu đồng) và ngân sách tỉnh phân bổ 23.555 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 20.497 triệu đồng; vốn sự nghiệp 3.058 triệu đồng). Đến nay, đã giải ngân được 93.520,5 triệu đồng.

Thực  hiện Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện nghèo, huyện An Lão đã đầu tư 41 công trình xây dựng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tính đến hết tháng 11/2023 đã giải ngân được 85.308,05 triệu đồng. Những công trình hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng  đã tác động tích cực đến đời sống của người dân trong huyện, hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư, diện mạo ngày càng khởi sắc, giao thông đi lại thuận tiện, tạo điều kiện cho việc buôn bán, lưu thông hàng hóa, sản phẩm giữa các địa bàn, góp phần từng bước cải thiện thu nhập của người dân, ổn định cuộc sống.

Đối với Dự án 2, Tiểu dự án 1 (Dự án 3), trong 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, huyện An Lão đã triển khai 48 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, giới thiệu xây dựng 02 dự án liên kết chuỗi, với 895 hộ tham gia. Kết quả đã giải ngân đạt 2.621,2 triệu đồng, dự kiến cuối năm 2023 giải ngân 90%. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo, giúp người dân làm quen với hình thức sản xuất tập thể, cộng đồng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Về Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, huyện đã đào tạo nghề cho hơn 1.400 lao động, giải quyết việc làm mới cho hơn 1.000 lao động; đưa 63 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đã giải ngân được 1.020,7 triệu đồng. Thực hiện Dự án 5: Hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, đến nay đã giải ngân 3.784 triệu đồng, đạt 91,6% kế hoạch vốn. Cùng với dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ chương trình khác, năm 2023 huyện đã hỗ trợ cho 319 nhà ở.

Theo đánh giá của huyện An Lão, với việc việc thực hiện nghiêm túc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 12%/năm của huyện. Các chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, giai đoạn 2021-2023, huyện có 1.230 hộ thoát nghèo, 986 hộ thoát cận nghèo. Năm 2022: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn 43,47%, (trong đó: hộ nghèo 2.829 hộ, chiếm tỷ lệ 29,8%; hộ cận nghèo 1.298 hộ, chiếm tỷ lệ 13,67%), giảm 11,86% so với năm 2021. Năm 2023: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm còn 29,75% (trong đó: hộ nghèo 2.083 hộ, chiếm tỷ lệ 21,69%; hộ cận nghèo 774 hộ, chiếm tỷ lệ 8,06 %), giảm 13,72% so với năm 2022 vượt kế hoạch đề ra (KH 9,9%).

Cùng với đó, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều thay đổi, 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Huyện đã giải quyết việc làm mới đạt 231,6% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36,5%. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình phát triển các sản phẩm phù hợp với thế mạnh của địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm với 05 sản phẩm được công nhận 3 sao, hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển quy mô sản xuất, tăng thu nhập. Nhờ đó, người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, đời sống được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu, tự giải quyết được vấn đề nghèo cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước, đưa huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 2025./.

Hồng Phượng

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa