Tăng mức hỗ trợ học nghề cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH) – Tăng mức hỗ trợ học nghề cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp; Nghị định hướng dẫn Luật Căn cước công dân; Quy định về công an xã chính quy… là ba trong số nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tháng 5/2021.
Hỗ trợ đóng BHYT cho người lao động làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa
Theo Nghị định 22/2021/NĐ-CP, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHYT cho NLĐ làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa,... theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định sau đây:
- Đối với quân số thuộc biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng; được đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
- Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được các hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Người lao động, công nhân làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT và các chế độ chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định 22/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/5/2021 và thay thế Nghị định 44/2009/NĐ-CP.
Tăng mức hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Từ ngày 15/5/2021, người lao động tham gia BNTN sẽ được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg. Theo đó, đối tượng áp dụng theo Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN bao gồm:
Người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (sau đây gọi chung là người lao động). Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp).
Mức hỗ trợ học nghề cụ thể:
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng. Như vậy, có thể thấy từ ngày 15/5/2021, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN đã được tăng đáng kể từ 01 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.
Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ). Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Cho phép nhắn tin để tra cưu thông tin về cư trú
Nghị định 37/2021 sửa đổi Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/5/2021.
Nghị định này cho phép công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Cũng theo Nghị định, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan trên sẽ có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiệp định UKVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 01/5
Theo quy định tại Khoản 2a Điều 9, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2021.
Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam và Vương quốc Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thương mại dịch vụ tiếp tục được duy trì, trong đó hai bên có điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác về dịch vụ trong thời gian tới. Trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, việc Chính phủ Việt Nam mới đây đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn UKVFTA sẽ giúp Hiệp định có hiệu lực chính thức trong thời gian sớm (Hiệp định đang có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021).
Trước đó, ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã chủ trì buổi lễ trao đổi Công hàm khẳng định ngày có hiệu lực của Hiệp định UKVFTA.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 1,024 tỷ USD, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Hiệp định UKVFTA đã tạo ra động lực quan trọng trong việc phục hồi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm nay.
Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh đang triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine trên diện rộng và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực được các thể chế uy tín quốc tế đưa ra gần đây, hứa hẹn lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Sau khi Hiệp định UKVFTA được chính thức ký kết vào ngày 29/12/2020 tại Anh, Việt Nam và Vương quốc Anh đã hoàn tất thủ tục trong nước cho phép áp dụng tạm thời Hiệp định này kể từ 23 giờ GMT ngày 31/12/2020 (tức là 6 giờ sáng ngày 1/1/2021 theo giờ Việt Nam).
Từ 20/5, Tổng cục Thuế sẽ có 18 đơn vị trực thuộc
Theo Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực từ 20/5.
Theo đó, cơ quan Tổng cục Thuế ở Trung ương bao gồm: Vụ Chính sách; Vụ Pháp chế; Vụ Dự toán thu thuế; Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế; Vụ Kê khai và Kế toán thuế; Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế; Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế; Cục Thuế doanh nghiệp lớn; Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân; Vụ Hợp tác Quốc tế; Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tài vụ - Quản trị; Văn phòng; Cục Công nghệ Thông tin; Trường Nghiệp vụ Thuế; Tạp chí Thuế.
Trong đó có các tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và có các tổ chức là đơn vị sự nghiệp.
Việc thành lập phòng thuộc Văn phòng và phòng thuộc cục thuộc Tổng cục Thuế phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Thục Quyên
TAG: