Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, người nghèo được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội
Thực hiện Dự án 6 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin), tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện nội dung Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin; giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Dự án 6 và chủ trì tổ chức thực hiện nội dung Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều.
Đến nay, trên toàn tỉnh có 152/152 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh không dây FM và 2.438 cụm loa phát thanh cho thôn, bản, tổ dân phố để tiếp, phát sóng các chương trình phát thanh - truyền hình của huyện, tỉnh và trung ương. Đến thời điểm hiện tại có 10 xã, phường của thị xã Sa Pa (Trung Chải, Mường Hoa, Thanh Bình, Sa Pả, Phan Xi Păng, Ô Quý Hồ, Liên Minh, Mường Bo, Bản Hồ, Hoàng Liên) và 03 đài của huyện Bắc Hà (thị trấn Bắc Hà, Bản Liền, Tà Chải) đã đầu tư truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Các xã, phường, thị trấn đều đã ban hành Quy chế hoạt động và thành lập Ban biên tập đài truyền thanh cấp xã. Toàn tỉnh có 2.936 trạm thu phát sóng thông tin di động đảm bảo 1.548/1.562 (khoảng 99%) trung tâm thôn, tổ dân phố được phủ sóng thông tin di động; 1.337/1.562 (khoảng 85,6%) thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập Internet; đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho 817.281 thuê bao điện thoại và 634.129 thuê Internet băng rộng; 109.135 gia đình, chiếm 57% tổng số hộ có kết nối Internet cáp quang.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xây dựng các tin bài, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục, có nội dung về phát triển kinh tế, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế của địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đặt hàng sản xuất các chương trình phát thanh ‑ truyền hình thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều tin bài phản ánh về tình hình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các chương trình được phát sóng trên sóng phát thanh ‑ truyền hình tiếng Việt và dịch sang các tiếng dân tộc (Mông, Dao, Giáy) phát sóng trên sóng phát thanh ‑ truyền hình tiếng dân tộc.
Báo Lào Cai cũng tăng cường sản xuất các tin bài có nội dung về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều tin bài phản ánh về công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, mô hình sản xuất, xây dựng nông thôn mới... thông qua các tin bài tuyên truyền, góp phần nâng nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số hiểu, thích ứng với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và có tư duy làm giàu, biết cách làm giàu, phát triển kinh tế ổn định.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai cũng tích cực đưa các tin bài, hình ảnh phản ánh nội dung về kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể về những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời quản lý, vận hành hiệu quả 03 Cụm thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cụm Thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành và Cụm Thông tin đối ngoại Sa Pa. Đã tổ chức sản xuất và đăng phát hơn 300 hình ảnh, tư liệu, trong đó các hình ảnh, dữ liệu tuyên truyền về các mô hình giảm nghèo mới, cách làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Năm 2023, 02 Cụm Thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành hỏng không vận hành, chỉ vận hành Cụm thông tin đối ngoại Sa Pa. Kết quả thực hiện đến 30/5/2024, Cụm Thông tin đối ngoại Sa Pa tuyên tuyền được gần 100 hình ảnh, tư liệu về giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở chủ động tổ chức tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở. Các địa phương đã xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm của địa phương mình, tuyên truyền đến đông đảo bà con, nhân dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, nhằm nâng cao nhận thức giảm nghèo đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Các chương trình đã được phát trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, tại Lào Cai, kết quả chỉ tiêu chiều thiếu hụt về thông tin đạt 96,7% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet (vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 là trên 85%); 93,5% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông (mục tiêu năm 2024 là 94%, đạt 50% mục tiêu năm 2024)./.
Hồng Phượng