An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lào Cai: Nhiều kết quả tích cực trong phát triển BHXH tự nguyện
11:19 AM 02/09/2021
(LĐXH) - Là tỉnh vùng cao biên giới, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng sống của người dân, nhất là, đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp. Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho cho người dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, BHXH tỉnh Lào Cai đã có nhiều nỗ lực, đột phá để nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Chính sách BHXH, BHYT đã được Đảng, Nhà nước xác định là 2 trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, hai chính sách này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 340/KH-UBND ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã giao chỉ tiêu tới từng xã, phường, thị trấn.
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Luôn xác định nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện là một trong những mục tiêu trọng tâm của Ngành BHXH, trong năm 2021 nhờ sự quan tâm chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Với mục tiêu kép vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được giao và thực hiện tốt công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh, BHXH huyện đã tham mưu UBND cùng cấp ban hành Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia tới từng xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là tổ chức quán triệt các nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy từ cấp xã, phường tới chi bộ trực thuộc trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với UBND các xã, phường khảo sát địa bàn xác định đối tượng tiềm năng để tổ chức hội nghị, đổi mới phương pháp tuyên truyền để phát triển người tham gia. Bên cạnh đó, tập huấn đào tạo nghiệp vụ giúp nhân viên đại lý thu nắm chắc kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền phát triển người tham gia. Mặt khác, BHXH tỉnh đã giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho các đại lý thu BHXH, BHYT và phát động phong trào thi đua phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đến cán bộ, viên chức trong cơ quan BHXH...
Nhìn chung, diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh tăng ổn định theo từng năm. Theo đó, số người tham gia BHXH năm 2016 là 49.703 người, đến năm 2019 là 65.062, tăng 4.758 người (7,9%), tăng 8.464 người (14,5%) so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, tổng số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp là 72.504 người, đạt 100% kế hoạch của BHXH giao.
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 6.830 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 56,8% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 72,66% so với kế hoạch số 87/KH-UBND của UBND tỉnh giao, đạt tỷ lệ 1,52% so với lực lượng lao động tham gia các thành phần kinh tế.
Mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện hàng năm đều tăng, tuy nhiên con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do: Lào Cai là tỉnh miền núi người dân tộc thiểu số chiếm hơn 66% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở những địa bàn xa, khó khăn nên việc tiếp cận, tuyên truyền cần nhiều thời gian; các loại hình bảo hiểm thương mại phát triển nên đa số người dân có thu nhập tại khu vực thành thị khi được tư vấn họ đều đã và đang tham gia 1 loại bảo hiểm thương mại, mặt khác, do lợi ích trước mắt, sự mất lòng tin của người dân về bảo hiểm thương mại nên khi triển khai công tác tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả tại các khu vực thành thị; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, người dân hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động trực tiếp, tổ chức Hội nghị để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện gặp khó khăn, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn tác động đến tỷ lệ người tham gia tái tục; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người dân cả về thời gian đóng BHXH cũng như phạm vi quyền lợi được hưởng, mặc dù khi tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, chưa thu hút được người dân tham gia...
Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu BHXH tự nguyện trong năm 2021 và khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung vào những giải pháp như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại. Qua đó, giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia.
Tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó sẽ đề xuất, kiến nghị: sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngày càng sâu rộng.
Khánh Nam
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công