Lào Cai: Mục tiêu giảm hộ nghèo 3-5%/năm trong giai đoạn 2021-2025
(LĐXH) - Theo kết quả rà soát, hiện nay tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 67.159 hộ, trong đó: số hộ nghèo: 44.355 hộ, chiếm tỷ lệ 25,19% tổng số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh là 176.060; số hộ cận nghèo: 22.804 hộ, chiếm tỷ lệ 12,75% tổng số hộ.
Mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh
Nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hạn chế tình trạng tái nghèo, vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3-5%/năm, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 6%/năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 90 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo đạt 32 triệu đồng/năm.
Chương trình đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng diện, công trình thủy lợi.
Cùng với đó, Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 100 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu có trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về các nội dung triển khai công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, toàn tỉnh đặt ra các chỉ tiêu giải quyết mức độ hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản, cụ thể: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 350 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; khoảng 100 người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo, trong đó, có khoảng 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 6 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.
Tỉnh cũng phấn đấu đạt tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 98% trở lên. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt trên 50%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đảo tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Tiếp đó, tỉnh thực hiện đẩy mạnh truyền thông tới các hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet... Dự kiến, trên 92% các hộ gia đình sinh sống địa bản huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông...
Những giải pháp để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025 cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa; theo phương châm đến từng hộ gia đình.
- Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2022. Phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo.
- Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có đủ năng lực, nhiệt huyết để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo thật sự đã có hiệu quả trong thực tế, các mô hình phải có đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế, xã hội và tác động môi trường. Đối mới phương thức hỗ trợ hộ nghèo, chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng) phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, nhu cầu của hộ nghèo, hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, tiền hoặc hiện vật. Trọng tâm của mô hình, dự án giảm nghèo là phát triển kinh tế vùng, địa phương; từng bước hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt lớn, tạo động lực phát triển vùng nghèo một cách bền vững.
-Tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng; vốn tín dụng ưu đãi; lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách giảm nghèo nói chung với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
- Các sở, ban, ngành nâng cao trách nhiệm trong công tác xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc nhiệm vụ, chức năng thuộc lĩnh vực ngành và các nhiệm vụ được giao trong công tác giảm nghèo. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các đơn vị liên quan và Cơ quan thường trực Chương trình trong việc thực hiện công tác giảm nghèo.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Chương trình đối với các cơ quan chủ trị Dự án, Tiểu dự án, các địa phương, cơ sở, cộng đồng và người dân./.
Nguyễn Hoàng
TAG:
tỉnh Lào Cai giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025