An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lào Cai đặt mục tiêu giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2023
04:34 PM 02/03/2023
(LĐXH) – Theo kế hoạch thực hiện Đề án Giảm nghèo bền vững năm 2023, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh đạt 4% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6,9%/năm trở lên.
Giảm trên 2.000 hộ cận nghèo; Hoàn thành tiêu chí hộ nghèo về nông thôn mới từ 10 xã trở lên; 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Kế hoạch cũng đặt ra các nhiệm vụ thể như: Nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có giải pháp chỉ đạo phù hợp; Khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; Nghiên cứu xây dựng mô hình Tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp các hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với các hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm cho người lao động tại
Hội chợ việc làm cấp tỉnh tháng 11/2022
Tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm ổn định. Thường xuyên rà soát, đánh giá nhu cầu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của người lao động trong độ tuổi, trong đó tập trung vào đối tượng lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho trên 11.500 người, đạt 100% KH năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp: 4.500 người; sơ cấp và dưới 3 tháng: 7.000 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên đạt khoảng 67,7%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29,3%; Xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu, tổ chức đưa người lao động đi làm việc trong nước và xuất khẩu lao động đáp ứng nhu cầu tìm việc của người dân và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, mở rộng hợp tác tìm kiếm việc làm cho người lao động trong và ngoài nước. Tổ chức khoảng 70 phiên giao dịch, thu hút trên 200 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động, khoảng 20.000 lượt lao động tham gia nghe tuyên truyền, tư vấn việc làm, trong đó tổ chức ít nhất 20 phiên giao dịch việc làm tại các xã vùng “lõi nghèo” theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai.
Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Về Giáo dục và Đào tạo; Về Y tế; Về nhà ở cho hộ nghèo; Về nước sạch và vệ sinh môi trường; Về thông tin - truyền thông.
Tổ chức các phong trào thi đua giảm nghèo. Kịp thời khen thưởng, biểu dương và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong giảm nghèo và thực hiện công tác giảm nghèo; Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là dòng họ, xóm làng cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ trong cuộc sống và trong lao động, sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Một số giải pháp chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn mới là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; Đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước chủ động phấn đấu thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; Sử dụng kịp thời, có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 góp phần giảm nghèo bền vững; Tổ chức tốt cuộc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 5 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh; Quan tâm phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi trọng phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản, khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ để tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân, trong đó chú trọng phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện, gắn với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo.
Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo xã Bảo Hà (huyện Bảo Thắng) năm 2022.
Giai đoạn 2021-2025, Lào Cai triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt trên 9.471 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Lào Cai dự kiến bố trí 1.842 tỷ đồng để thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021-2025.
Riêng năm 2022, tổng nguồn lực thực hiện các chương trình này trên địa bàn tỉnh là 1.710 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, việc giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31/1/2023 đạt cao; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân được trên 934 tỷ đồng/1.162 tỷ đồng, bằng 80,4% kế hoạch; vốn đầu tư giải ngân đạt trên 92,7% vốn được giao, xếp cao thứ 5 trong tổng số 63 tỉnh thành cả nước. Nhờ đó, trong năm 2022, Lào Cai đã thực hiện đầu tư và khởi công 129 công trình đường liên xã dài trên 232km; 376 công trình đường giao thông nông thôn dài gần 585km, 10 cầu, ngầm các loại. Toàn tỉnh đã làm được 477,51 km đường giao thông các loại. Các địa phương duy tu, bảo dưỡng 718,3km đường đến trung tâm xã; 651,5km đường trục thôn, 52 cầu treo/1.765m...
Từ việc giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư các chương tình mục tiêu quốc gia, năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn Lào Cai đạt 5,82%/4,5%, bằng 129,33 % kế hoạch giao. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,7%/6%, bằng 128% kế hoạch tỉnh và Trung ương giao; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 7%, vượt 1 điểm % so kế hoạch trung ương giao. Riêng tỷ lệ hộ nghèo tại 10 xã nghèo nhất Lào Cai (hộ nghèo chiếm trên 40%) giảm 11%.
Năm 2023, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đạt trên 4%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm từ 6,9%/năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) toàn tỉnh đến năm 2023 đạt 103 triệu đồng/năm; trong đó thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo đạt trên 36,5 triệu đồng/năm; phấn đấu giảm trên 10.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo so với năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia./.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững