Huyện Đô Lương: Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ
(LĐXH) - Trong các cuộc kháng chiến, huyện Đô lương (tỉnh Nghệ An) có gần 40 nghìn người phục vụ chiến đấu, trong đó, có 4.036 Liệt sỹ, 3.448 thương binh, 1.414 bệnh binh, 262 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 08 Anh hùng lực lượng vũ trang và hơn 1.200 người nhiễm chất độc hóa học,… Hiện có 18 xã, 1 thị trấn trên địa bàn huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Đoàn cán bộ lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đô Lương cùng đại diện các ban, ngành đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, Khu di tích lịch sử Quốc gia Thành cổ Quảng Trị và nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn; Nhà cố đại tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn dành phút mặc niệm bày tỏ lòng tri ân, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tại lễ dâng hương, đoàn đã báo công trước anh linh các anh hùng liệt sỹ về công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo các gia đình chính sách của huyện Đô Lương.
Tập thể Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tích cực thi đua phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng huyện đạt được nhiều kết quả phấn khởi.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ở Đảng bộ huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao; tư tưởng thống nhất, thể hiện ở sự đoàn kết nhất trí, sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ và quyết liệt trong tổ chức thực hiện.
Trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ, đoàn lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện quyết tâm thực hiện tốt công tác tri ân “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh và người có công với cách mạng bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thể hiện trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc.
Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội để thực hiện những việc làm cụ thể và thiết thực như: xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi. Qua đó, kịp thời động viên, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Từ đó biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp thành hành động thiết thực đóng góp nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào tình nghĩa cũng như tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, nhất là đối với những trường hợp còn tồn đọng, đề xuất, kiến nghị nhiều lần. Tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ và biểu dương người có công tiêu biểu cùng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; chương trình giao lưu các điển hình tiên tiến là thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công; các hoạt động dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong, ngoài tỉnh; thăm hỏi, tặng quà các gia đình người có công với cách mạng; tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...
Có thể nói, các hoạt động cụ thể, thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương đối với người có công đã khơi dậy truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong công tác chăm sóc NCC, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để đất nước có hòa bình, độc lập và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Tình cảm, trách nhiệm, sự chăm lo chu đáo của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện đối với các gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh và người có công cũng đã giúp bản thân và gia đình người có công luôn an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có ý thức phấn đấu trở thành những “công dân gương mẫu, gia đình cách mạng kiểu mẫu”, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Lê Minh
TAG: