An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lạng Sơn: Triển khai công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
07:41 PM 22/09/2024
(LĐXH) - Tỉnh Lạng Sơn đang tập trung chỉ đạo, triển khai công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024 với nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và có sự tham gia của người dân, nhằm xác định đúng đối tượng.
Huyện Chi Lăng tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2024 
UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2024, trong đó giao Sở Lao động - TBXH là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác rà soát; chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh tổ chức tập huấn tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh và các thành viên giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát; tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trình UBND tỉnh để báo cáo Bộ Lao động – TBXH đúng thời gian quy định.
Mục đích của công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là để xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025, lấy kết quả rà soát làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời làm căn cứ đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, làm cơ sở xác định đối tượng thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cuộc họp tại cơ sở tới nhân dân và các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã để người dân biết, tham gia thực hiện; nâng cao chất lượng truyền thông về công tác giảm nghèo tại các địa phương, nhất là tại khu vực nông thôn để người nghèo hiểu, biết được quyền lợi, nghĩa vụ và có ý thức, trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải thực hiện theo đúng quy trình và bộ công cụ quy định và theo đúng nội dung Kế hoạch dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; việc rà soát phải tiến hành từ thôn bản, khu phố và trực tiếp các hộ gia đình, phải bảo đảm tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và có sự tham gia của người dân, nhằm xác định đúng đối tượng. Kết quả rà soát phải phản ảnh đúng thực trạng đời sống của nhân dân, tuyệt đối không bỏ sót hộ nghèo, hộ cận nghèo, không chạy theo thành tích, không để xảy ra tình trạng phản ánh sai thực tế về hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo; hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương, đồng thời đảm bảo tổng hợp báo cáo kết quả đúng tiến độ.
Theo đó, tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP. Đối tượng rà soát là toàn bộ hộ gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 và những hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh trong năm 2024 theo Quyết định của UBND huyện, thành phố bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều do UBND xã, phường, thị trấn đang quản lý. Hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 01 tại phụ lục kèm theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg. Phạm vi rà soát là tại 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Phương pháp rà soát là khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo phù hợp với chuẩn nghèo quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP. Quá trình rà soát phải bảo đảm thông tin đầy đủ theo các phụ lục I đến phụ lục VII và tổng hợp vào các Biểu mẫu số 7.1 đến Biểu mẫu số 7.11 theo Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH; đồng thời làm cơ sở để nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý hộ nghèo và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.
Ở cấp tỉnh, Sở Lao động – TBXH đã ban hành văn bản hướng dẫn, tập huấn quy trình rà soát cho các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025 và thành viên giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện. Ở cấp huyện, căn cứ văn bản hướng dẫn của Sở Lao động – TBXH và tình hình thực tế, các huyện, thành phố chủ động ban hành văn bản hướng dẫn Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức tập huấn cho đối tượng là những điều tra viên hoàn thành trong tháng 8/2024; Báo cáo viên là thành viên Ban Chỉ đạo huyện, thành phố hoặc Báo cáo viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã qua tập huấn. Thời gian rà soát từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 14/12/2024.
Về kinh phí thực hiện, Sở Lao động – TBXH đảm bảo kinh phí tập huấn cấp tỉnh theo nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh phân bổ. UBND cấp huyện, cấp xã bố trí kinh phí tập huấn cấp huyện, cấp xã; kinh phí in ấn tài liệu, biểu mẫu, phiếu; kinh phí hỗ trợ thù lao cho điều tra viên; kinh phí tổng hợp, nhập dữ liệu từ nguồn kinh phí Tiểu dự án 2, Dự án 7- Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được cấp và kinh phí từ nguồn bảo đảm xã hội của cấp huyện, thành phố cân đối, bố trí đủ kinh phí cho cuộc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình năm 2024 theo quy định./.

Thu Hương
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa