Lạng Sơn: Tập trung nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững
(LĐXH)-Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và các Chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo theo quy định.
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 47-NQ/ TU được các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn. BCĐ các Chương trình MTQG các cấp đã phát huy vai trò tham mưu giúp UBND các cấp chỉ đạo điều hành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp về Chương trình giảm nghèo theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Công tác tuyên truyền vận động đã được các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố quan tâm triển khai thực hiện, trong đó đã chú trọng đến việc nhân rộng, giới thiệu các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Các chính sách giảm nghèo thường xuyên được thực hiện tốt như: hỗ trợ về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, hỗ trợ tiền điện, nhà ở… Công tác cứu đói giáp hạt được thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp người nghèo ổn định cuộc sống, an tâm để đẩy mạnh sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã cấp 254.367 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí là 99.301 triệu đồng. Thực hiện cứu đói cho 4.683 hộ gia đình, 15.572 nhân khẩu 233.580 kg gạo, tổng kinh phí là 3.572,813 triệu đồng. Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách là 11.933 triệu đồng, riêng số hộ nghèo là 23.648 hộ. Hỗ trợ học phí, chi phí học tập và miễn giảm học phí học kỳ II năm học 2021 - 2022 và học kỳ I năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 81/2021/ NĐ-CP của Chính phủ cho 32.405 lượt học sinh với kinh phí là 17.528 triệu đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ cho 29.551 học sinh với tổng số 3.697 tấn; Tặng quà Tết, hỗ trợ học sinh nghèo đi học từ Quỹ Vì người nghèo với tổng số tiền là 1.806,5 triệu đồng. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban vận động Quỹ ”Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh hỗ trợ xây dựng 289 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo (xây mới: 245 nhà, sửa chữa: 44 nhà), tổng trị giá 8,3 tỷ đồng trợ về nhà ở, tư vấn hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm cho thanh niên hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn còn có chính sách đặc thù riêng đối với hộ nghèo. Chương trình số 40/CTr-BCĐ ngày 21/3/2014 của BCĐ giảm nghèo tỉnh về Chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2014 - 2020 tiếp tục được các cơ quan, đoàn thể duy trì và thực hiện hỗ trợ đã giúp cho các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo. Từ năm 2021 đến nay, phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ” đã giúp 230 hộ nghèo có chủ hộ là phụ nữ thoát nghèo, tiếp tục giúp 1.031 hội viên phụ nữ nghèo bằng các hình thức như cho vay không lấy lãi 265 triệu đồng tiền mặt, 2.225 ngày công, giúp 5.895 kg gạo, phân bón, cây giống trị giá 30 triệu đồng, hỗ trợ thu mua nông sản, hoa quả cho gia đình các hội viên phụ nữ gặp khó khăn trong dịp phòng chống dịch Covid-19; vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh Đoàn đã thực hiện hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình kinh tế trồng cây ăn quả với quy mô 350 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn; 6 tháng đầu năm 2022, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã đăng ký giúp đỡ 119 hộ nghèo, hộ cận nghèo thanh niên làm chủ hộ bằng nhiều hình thức như giúp đỡ ngày công, tặng quà, hỗ trợ con giống, cây giống, hỗ trợ về nhà ở, tư vấn hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm cho thanh niên hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các dự án, tiểu dự án nhằm góp phần giảm nghèo hiệu quả cũng được tỉnh Lạng Sơn triển khai tích cực. Cụ thể, năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo Văn Quan và Bình Gia với tổng kinh phí được phân bổ là 141.248 triệu đồng (ngân sách trung ương là 137.134 triệu đồng, ngân sách địa phương là 4.114 triệu đồng). Kết quả giải ngân nguồn vốn đến hết tháng 12/2022 là 103.164 triệu đồng, đạt 73% kế hoạch vốn giao.
Nhằm giúp người nghèo đa dạng hóa kinh tế, phát triển mô hình giảm nghèo hiệu quả, HĐNĐ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 22/11/2022 quy định về một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, theo đó đã quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị không quá 02 tỷ đồng/dự án, kế hoạch liên kết, mức hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng là không quá 500 triệu đồng/dự án; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 ban hành quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn làm cơ sở để cấp huyện triển khai thực hiện. Kinh phí được phân bổ cho 11 huyện/thành phố thực hiện các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là 18.433 triệu đồng (ngân sách trung ương là 17.896 triệu đồng, ngân sách địa phương là 537 triệu đồng). Năm 2022, các huyện, thành phố đã phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc cấp xã khẩn trương triển khai giải ngân nguồn vốn được phân bổ, phối hợp với xã xác định thôn và nội dung hỗ trợ, hướng dẫn xã thực hiện triển khai các hộ dân đăng ký đảm bảo đúng đối tượng. Tuy nhiên, toàn tỉnh chưa thực hiện giải ngân được nguồn vốn trong năm 2022, và sẽ chuyển nguồn sang thực hiện năm 2023.
Lạng Sơn còn hỗ trợ người nghèo của 11/11 huyện, thành phố phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với kinh phí phân bổ là 7.975 triệu đồng (ngân sách trung ương là 7.743 triệu đồng, ngân sách địa phương là 232 triệu đồng). Theo đó, toàn tỉnh dự kiến triển khai 39 dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã phổ biến, tuyên truyền đến đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo... đăng ký thực hiện dự án; triển khai xây dựng dự án, phương án hỗ trợ sản xuất. Kết quả giải ngân nguồn vốn đến hết tháng 12/2022 là 700 triệu đồng đạt 8,8% kế hoạch vốn giao.
Với nguồn kinh phí 41.955 triệu đồng được phân bổ từ Trung ương và địa phương, các dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 cũng được tỉnh triển khai tích cực. Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với Chi cục Thống kê tổ chức khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm, tiến độ thực hiện đạt 80%, hoàn thành trong tháng 12. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch, dự toán và thực hiện giải ngân đối với hoạt động tổ chức 02 lớp tập huấn bồi dưỡng về xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí là 75,245 triệu đồng; thực hiện truyền thông về giáo dục nghề nghiệp thông qua phóng sự truyền hình và viết bài trên Báo Lạng Sơn với tổng kinh phí là 150 triệu đồng.
Về hỗ trợ việc làm bền vững, năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phân bổ cho 3.526 triệu đồng nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Kết quả giải ngân nguồn vốn đến hết tháng 12/2022 là 410 triệu đồng, đạt 16,3% kế hoạch vốn giao, do chỉ thực hiện đối với nội dung hỗ trợ giao dịch việc làm.
Thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện đặt hàng với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đào tạo ngoại ngữ tiếng Nhật Bản cho 47 người lao động tại huyện nghèo trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản. Kết quả giải ngân nguồn vốn đến hết tháng 12/2022 là 435 triệu đồng đạt 85,8% kế hoạch vốn giao, với 16/47 lao động xuất cảnh.
Nhìn chung, việc thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án, mô hình giảm nghèo đã góp phần tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, góp phần ổn định xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. 100% các chính sách giảm nghèo đều đến tay đối tượng và phát huy hiệu quả; những trường hợp phát hiện sai sót trong rà soát hộ nghèo đều có biện pháp chấn chỉnh và chỉ đạo phù hợp. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021, cụ thể giảm từ 12,20% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ, đạt 109% kế hoạch.
Theo đánh giá, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm tuy đã đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch, nhưng không bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao, tỷ lệ giảm nghèo chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Vì vậy, trong năm 2023, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở cấp huyện, xã, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu của kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2021 -2025. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, quản lý thống nhất về công tác giảm nghèo. Bố trí ưu tiên đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo; nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn các huyện./.
Minh Hằng