An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lạng Sơn: Nhiều giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững
10:06 AM 28/03/2023
(LĐXH)-Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 8.310,09 km2, dân số là 802.090 người (số liệu dân số trung bình sơ bộ năm 2022), gồm 07 dân tộc chính (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông), trong đó có 83,91% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn nông thôn, miền núi. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 01 thành phố loại II; 200 đơn vị hành chính cấp xã, có 1.676 thôn, tổ dân phố.
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội quan tâm, thực hiện đồng bộ, kịp thời góp phần đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, từ đó giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, vay vốn, cơ sở hạ tầng… Việc huy động nguồn lực được tập trung, mặc dù tỉnh còn khó khăn nhưng đã quan tâm dành một phần ngân sách để thực hiện các nội dung đối ứng như tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đặc thù. Việc sử dụng vốn huy động đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội (ASXH), nâng cao đời sống của một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng an toàn khu, biên giới.
Giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giảm từ 25,95% năm 2016 xuống còn 5,76% năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo  giảm từ 42,35% năm 2016 xuống 10,27% năm 2021, vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm. Tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đều giảm bình quân 4%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, năm 2021, toàn tỉnh có 23.511 hộ nghèo, chiếm 12,2%, số hộ cận nghèo là 23.247 hộ, chiếm 12,06%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021 (từ 12,20% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ), đạt 109% kế hoạch.
Việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh Lạng Sơn quan tâm
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 95,23% trên tổng số hộ nghèo, tăng 0,24% so với năm 2021 (16.664 hộ/17.497 hộ); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 10,42% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số (16.664 hộ/159.826 hộ), giảm 3,15% so với năm 2021.
Xét về các chỉ tiêu mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho thấy như sau:
Đối với chỉ tiêu về việc làm, toàn tỉnh có 8.232 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một người không có việc làm hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động, chiếm tỷ lệ 21,77%.
Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%: toàn tỉnh có 7.819 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 20,68%.
 Đối với chỉ tiêu về y tế, toàn tỉnh có 2.021 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi hoặc suy dinh dưỡng cận nặng theo tuổi:, chiếm tỷ lệ 5,34%.
Hộ gia đình có ít nhất một thành viên từ 06 tuổi trở lên không có thẻ bảo hiểm y tế: toàn tỉnh có 11.766 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 31,11%.
Đối với chỉ tiêu về giáo dục, toàn tỉnh có 4.201 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng, chiếm tỷ lệ 11,11%.
Hộ gia đình có ít nhất một trẻ em từ 03 đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi: toàn tỉnh có 386 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,02%.
Đối với chỉ tiêu về nhà ở, toàn tỉnh có 7.776 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc, chiếm tỷ lệ 20,56%.
Hộ có diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 8m2/người: toàn tỉnh có 5.118 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,53%.
Đối với chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh, toàn tỉnh có 4.575 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo không tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt, chiếm tỷ lệ 12,10%.
Hộ không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh: toàn tỉnh có 24.182 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 63,94%.
Đối với chỉ tiêu về tiếp cận thông tin, toàn tỉnh có 7.887 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo không có thành viên nào sử dụng Internet, chiếm tỷ lệ 20,86%.
Hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: toàn tỉnh có 2.636 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,97%.

Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên song song tỷ lệ giảm nghèo của Lạng Sơn chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Việc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng, giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình giảm nghèo… còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết hiệu quả. Sự phối hợp, huy động và lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn lực chưa nhiều, chưa khai thác được nội lực để thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án tại địa phương. Công tác tuyên truyền còn chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa linh hoạt trong nội dung tuyên truyền, một bộ phận hộ nghèo chậm chuyển biến nhận thức, chưa tích cực, chủ động trong phát triển sản xuất để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.  Việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo ở cơ sở một số nơi còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát.

Trong thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm (giai đoạn 2021 -2025) của các cấp, các ngành trong tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới nhân dân và các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở; kịp thời giới thiệu, tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Động  viên,  hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo về kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn; chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Tăng cường chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ, người khuyết tật nghèo. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình; qua đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý./.

Mỹ Hằng

TAG: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn
Tin khác
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững