Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Lạng Sơn đảm bảo môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ em
09:27 AM 23/06/2021
(LĐXH)- Đến nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng được tiếp cận các dịch vụ xã hội, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng, đảm bảo môi trường an toàn và lành mạnh để các em có cơ hội phát triển toàn diện.
Đảm bảo an toàn cho trẻ em trong đại dịch
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, đường biên dài 231,74 km giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 1 thành phố; có 200 đơn vị hành chính cấp xã với 1.705 thôn, bản, khu, khối phố, trong đó có 88 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, biên giới. Dân số toàn tỉnh là 789.600 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số chiếm 83%.
Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh tổng có hơn 197.800 trẻ em, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1.958  trẻ; trong đó có 1.800  trẻ em đã và đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội; số trẻ em đang sống trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo là 37.801 trẻ.
Đảm bảo an toàn cho tre em trong đại dịch Covid-19 (ảnh minh họa)
Thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhằm phát huy và thực hiện tốt quyền của trẻ em, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch hành động và chính sách hỗ trợ vì trẻ em, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt Chương trình Quốc gia vì trẻ em.
Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 24/02/2021 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 24/02/2021 về vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021…
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý Nhà nước về trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-SLĐTBXH ngày 08/3/2021 về triển khai thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021; Kế hoạch số 36/KH-SLĐTBXH ngày 27/3/2021 về tổ chức triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng năm 2021; Kế hoạch số 38/KH-SLĐTBXH ngày 19/3/2021 về triển khai thực hiện Chương trình khám sàng lọc và hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó Lạng Sơn cũng đã xuất hiện nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại một số huyện như: Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định… đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn do phải cách ly xã hội; các trường học phải cho học sinh nghỉ học dài ngày và học bằng hình thức trực tuyến, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân nói chung và trẻ em nói riêng.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Phương Thanh trao quà và học bổng cho trẻ em trong tỉnh 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong đại dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 218/SLĐTBXH ngày 28/5/2021 về tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch. Đồng thời, chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc các huyện, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lạng Sơn chủ động, phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan cập nhật, lập danh sách số lượng và nhu cầu 330 trẻ em diện F0, F1 ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly  tập trung. Sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp hỗ trợ thăm hỏi và đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, các nguồn vận động khác hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời…
Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 09 vụ nạn thương tích, xâm hại trẻ em, gồm: mua bán trẻ em dưới 16 tuổi 01 vụ, hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi 02 vụ, cố ý gây thương tích 04 vụ, ngược đãi trẻ em 01 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 01 vụ); với 10 trẻ em bị xâm hại, 14 trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước. Trong đó, có 3 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước, 2 trẻ tử vong do tai nạn thương tích bỏng và tai nạn giao thông; tỉnh đã điều tra làm rõ 09 vụ/10 đối tượng, xử lý hình sự 7 vụ/8 đối tượng.
Để đảm bảo môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ em, ngay từ  đầu năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện kịp thời công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là quan tâm bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn, đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em...
Lạng Sơn có 98/200 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa làm điểm vui chơi cho trẻ em
Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo và giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và đặc thù phong tục, tập quán từng vùng, miền, địa phương trong tỉnh. Tích cực giới thiệu về Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thông qua tổng đài Quốc gia về trẻ em để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; các kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc và chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em…
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên tại các trường THCS thu hút 16.920 học sinh tham dự. Nội dung tập trung tuyền thông về giới tính, lứa tuổi vị thành niên, sự thay đổi về tâm lý và thể chất ở nam, nữ trong giai đoạn dậy thì; sức  khỏe  sinh sản và tình dục an toàn, mang thai ở tuổi vị thành niên và biện pháp phòng tránh thai cho trẻ vị thành niên; kỹ năng phòng vệ cho bạn gái trước những nguy cơ có thể xảy ra và một số nội dung liên quan đến tâm lý lứa tuổi, tâm lý giới tính tuổi mới lớn… Qua đó góp phần giúp các em tự tin, tự chủ, tự hoàn thiện mình, tự nhận  thức để thay đổi hành vi, vững vàng trước những cám dỗ của bản thân.
Tiếp đến, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và trẻ em trong việc phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; phòng tránh lao động trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tai nạn đuối nước; phối hợp trong việc xử lý thông tin, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em.
Duy trì mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình, tội phạm mua bán người” tại phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn); 2 mô hình “Phòng ngừa trợ giúp người chưa thành niên vi phạm phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” tại thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình) và phường Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn); mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật” tại phường Vĩnh Trại và phường Đông Kinh, (thành phố Lạng Sơn), thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng).
Bên cạnh đó, Quỹ  Bảo trợ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn tổ chức phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp triển khai lựa chọn 70 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận hỗ trợ xe đạp từ “Chương trình hành trình cuộc sống” và “Quỹ xe đạp chở ước mơ” năm 2021; lựa chọn 893 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thụ hưởng chương trình “Gói mỳ hạnh phúc”...
Có thể thấy rằng, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở Lạng Son đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp kịp thời các vấn đề về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặc biệt là công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước, buôn bán trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch... Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục chú trọng, quan tâm hơn nữa tới công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhằm tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các em được phát triển toàn diện với phương châm sẽ dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa