An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lạng Sơn: Chú trọng công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin
03:31 PM 29/07/2024
(LĐXH) - Năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%. UBND tỉnh đã xác định cụ thể mục tiêu nhiệm vụ năm 2024 ngay từ Quyết định giao kế hoạch vốn đầu năm. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo, trong đó chú trọng công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, người nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận thuận lợi các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội

Tình trạng nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Do đó để bù đắp những thiếu hụt về thông tin, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra trọng tâm truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 6). Mục tiêu của dự án là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

Thực hiện Dự án: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, trong đó có Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin, tổng nguồn vốn giai đoạn 2022 -2024 là 34,43 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Lạng Sơn đã giải ngân vốn trung ương là 5,25/33,43 tỷ đồng, đạt 15,71%; Vốn địa phương là 180/1,003 tỷ đồng, đạt 17,95%. Ước đến hết ngày 31/12/2024, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.

Từ nguồn vốn được phân bổ, trong năm 2023, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện dự án thiết lập mới 06 đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 06 xã (bao gồm: xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc; xã Chí Minh, huyện Tràng Định; xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định; xã Hồng Phong, huyện Bình Gia; xã Ái Quốc, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình), với tổng số cụm thu được lắp đặt là 41 cụm.  Tổ chức 01 lớp tập huấn cho 250 cán bộ thông tin và truyền thông để nâng cao năng lực, với các nội dung về kỹ năng thiết kế và xây dựng bản tin thông tin cơ sở; kỹ năng giải quyết xung đột và xử lý khủng hoảng truyền thông ở cơ sở; kỹ năng tổ chức buổi tuyên truyền cổ động và tuyên truyền miệng; công tác quản lý đài truyền thanh cấp xã; việc xây dựng quy chế hoạt động của đài truyền thanh cấp xã; kỹ năng sản xuất chương trình cho đài truyền thanh cấp xã; việc sử dụng đài truyền thanh ứng dụng viễn thông công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm chuyển đổi văn bản thành giọng nói; định hướng tuyên truyền các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; kỹ năng viết tin, bài, khai thác tư liệu, xây dựng kết cấu một chương trình phát thanh địa phương, kỹ năng phát thanh viên, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thông tin, truyền thông.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với nhà thầu triển khai sản xuất các sản phẩm truyền thông năm 2023 với kinh phí 1,2 tỷ đồng, gồm có: 05 sản phẩm audio tiểu phẩm; 05 ấn phẩm video phóng sự tài liệu; 05 chương trình phim tài liệu; 02 ấn phẩm điện tử infographic được sản xuất bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng dân tộc Tày, tiếng dân tộc Nùng; 05 bài viết kèm ảnh được sản xuất bằng tiếng Việt phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án 6 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023. Các nội dung tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới; bảo tồn, phát huy giá trị, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn gắn với phát triển du lịch ở khu vực biên giới, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong năm 2024, tiếp tục triển khai thiết lập mới cụm thông tin điện tử tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị của năm 2023 chuyển sang.

Đối với Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, tổng nguồn vốn năm 2022 – 2024 là 6,3 tỷ đồng. Kết quả giải ngân giai đoạn 2021 - 2024 đến tháng 6/2024, vốn trung ương là 2,33/6,12 tỷ đồng, đạt 38,15%; Vốn địa phương là 29/186 triệu đồng, đạt 15,59%; Ước đến hết ngày 31/12/2024, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và 11 huyện, thành phố đã thực hiện xây dựng, tổ chức thực hiện các phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; phát triển hoạt động trang thông tin điện tử về giảm nghèo… Kết quả đã tổ chức được 07 chương trình, 30 hội nghị tập huấn với 1.118 người tham gia; làm pano, băng rôn 804 chiếc; xây dựng 9.214 phóng sự, tin bài trên truyền hình, 149 bản tin truyền hình, 03 chuyên mục chuyên về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Báo Lạng Sơn; các sản phẩm truyền thông khác 94 sản phẩm.

Thông qua hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa thích ứng với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và có tư duy, ý chí làm ăn, phát triển kinh tế ổn định, khuyến khích, động viên người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 12,2% (năm 2021) xuống còn 6,02% (nâm 2023), năm 2024, ước giảm 3%.

Để tiếp tục nâng hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo thông tin trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình tại địa phương để đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số của tỉnh đang triển khai./.


Hồng Phượng

 
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái