Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động
07:32 PM 26/08/2017
LĐXH - Ngày 26/8, tại Hà Nội đã diễn ra phiên đối thoại chính thức của Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 5 năm 2017 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, khép lại 03 ngày với các hoạt động phong phú, ý nghĩa của diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan phát biểu trong Phiên đối thoại diễn đàn

Phát biểu tại phiên đối thoại Diễn đàn trẻ em 2017, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Quyền tham gia của trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật trẻ em năm 2016. Thông qua Diễn đàn trẻ em, các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em được trao đổi, ghi nhận và triển khai. Phiên đối thoại là hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn để cùng trao đổi về vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em với 200 trẻ em

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2017 đánh dấu có nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đối với lĩnh vực trẻ em.  Đó là Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu lực từ ngày 5/9/2017; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của các địa phương… “Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ em”, Thứ trưởng khẳng định.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam

Diễn đàn trẻ em quốc gia năm nay được đánh gia cao với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, do 03 cơ quan đồng chủ trì là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham gia của 200 trẻ em đến từ 48 tỉnh, thành phố và hai đơn vị là Làng trẻ em SOS Việt Nam, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Tiếp nối Tháng hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em ở các địa phương và Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2017 tập trung vào một chủ đề xuyên suốt là “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Tại đây, các em sẽ thảo luận 4 nội dung: Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em; trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; trẻ em với vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; trẻ em với vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Trong Phiên đối thoại chính thức của Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em đã đề nghị các em, với trọng trách là đại diện cho các bạn ở địa phương của mình, đại diện cho các nhóm thảo luận tại Diễn đàn và lớn hơn nữa là đại diện cho toàn thể trẻ em trên cả nước, các đại biểu trẻ em chủ động nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để gửi tới lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan.

Thứ trưởng cũng đề nghị đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện của các Bộ, ngành, tổ chức trả lời, trao đổi, xem xét, đáp ứng các ý kiến, đề xuất của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em quốc gia này; nghiên cứu đưa các ý kiến, đề xuất đó vào trong Chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, tổ chức mình để thực sự các mục tiêu vì trẻ em được ưu tiên thực hiện và có các biện pháp thúc đẩy các quyền của trẻ em được cập nhật theo quy định của Luật trẻ em năm 2016. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ trẻ em, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng triển khai đồng bộ Luật trẻ em, các Nghị định của Chính phủ, các quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trẻ em. Đặc biệt là quan tâm triển khai các quy định về quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại cho trẻ em”.

Bà Yoshimi Nishino, Quyền Trưởng đại diện UNICEF: "Trẻ em phải là trung tâm của mọi giải pháp xử lý các vấn đề về bạo lực trẻ em"

Đối với các vấn đề về trẻ em, đại diện các tổ chức quốc tế tham gia Diễn đàn hôm nay đều tái khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện hóa nỗ lực trẻ em là mối quan tâm hàng đầu. Như Quyền Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam chia sẻ: “Trẻ em và thanh thiếu niên là lực lượng gây dựng và định hình thế giới trong hiện tại và tương lai. Chính vì thế, tiếng nói, sự lựa chọn và sự tham gia của trẻ em là vô cùng quan trọng đối với một tương lai bền vững mà tất cả chúng ta đều cũng mong đợi”.

Với nhiều nhóm giải pháp phòng chống bạo lực trẻ em,Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng cần tăng cường giáo dục kỹ năng cho chính các em

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho biết, sau 2 ngày thảo luận, 200 trẻ em đã chia thành 4 nhóm thảo luận theo 4 chủ đề: Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Và trong phiên đối thoại với lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đại diện trẻ em mạnh dạn nêu lên những vấn đề các em quan tâm cũng như những đề xuất, kiến nghị để các em được sống trong môi trường an toàn, không bạo lực xâm hại trẻ em.

Cây thông điệp do từng nhóm trẻ thiết kế

Nhiều thông điệp đã được các em nêu lên, đó là sự chia sẻ những nhìn nhận, đánh giá vấn đề của trẻ em dưới góc độ và con mắt nhìn của chính các em: giải pháp mới nào để bảo vệ chúng em khỏi bạo lực? Ai sẽ là người giúp đỡ các bạn cơ nhỡ trong trường hợp các bạn ấy bị xâm hại? Tư tưởng trọng nam khinh nữ hay lối nghĩ thương cho roi cho vọt ở các ông bố, bà mẹ cần phải được thay đổi như thế nào? Vì sao các bạn lại kết hôn sớm, trẻ em sinh ra trẻ em thì ai bảo trợ, chính sách có bao phủ những hoàn cảnh này...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội Ngô Thị Minh chúc mừng những gương mặt ưu tú đại diện cho trẻ em toàn quốc về với Diễn đàn lần này. Phó Chủ nhiệm chia sẻ thông tin với các em về những kiến nghị của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em lần thứ 4/2015 đã được gửi tới 7 Bộ, ngành và được đưa vào Luật trẻ em năm 2016. Trong Diễn đàn trẻ em năm nay, thông điệp, kiến nghị của các em cũng sẽ tiếp tục được xem xét. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật, trong các văn bản dưới luật, chúng tôi tiếp tục xem xét các kiến nghị của trẻ em được các Bộ, ngành thực hiện như thế nào.


Các bác lãnh đạo lắng nghe, chia sẻ những vấn đề, thông điệp mà các em quan tâm, gửi gắm

Bà Ngô Thị Minh cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giám sát việc này. Trong Luật trẻ em 2016 đã quy định, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quyền giám sát quyền trẻ em, đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, nhìn từ góc độ trẻ em. Cùng với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, đại diện cho các cơ quan, tổ chức phi Chính phủ có chức năng giám sát những nội dung này cùng Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội. Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em tại Diễn đàn này sẽ được xem xét để tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em để “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận những đề xuất của các em, mong các em nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là tiếng nói đại diện của các bạn trang lứa trên cả nước

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội