Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở An Giang
(LĐXH)- An Giang là tỉnh được đánh giá thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng.
An Giang hiện đang quản lý trên 43.000 trường hợp NCC, người tham gia cách mạng, trong đó có gần 10.000 hồ sơ liệt sĩ (kể cả hồ sơ nhập tỉnh); 760 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (hiện có 08 Bà mẹ còn sống), trên 5.500 thương binh, gần 400 bệnh binh, gần 300 người được công nhận hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (Lão thành cách mạng) và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 (Tiền khởi nghĩa); hơn 900 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 3.200 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc đã được giải quyết trợ cấp một lần, trên 18.700 người có công giúp đỡ cách mạng... Toàn tỉnh có 87 gia đình được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ.
Toàn tỉnh có gần 6.000 NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trên 10.000 lượt người hưởng trợ cấp hàng năm, một lần theo quy định với kinh phí trên 200 tỷ đồng/năm.
Đến nay, có 20/20 hồ sơ liệt sĩ tồn đọng đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định tặng Bằng “Tổ quốc ghi công’’ xác nhận liệt sĩ.
Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” và chăm lo NCC luôn được các cấp ủy quan tâm thực hiện có hiệu quả, huy động được sự tham gia của các ngành, đoàn thể và xã hội.
Hằng năm, Sở LĐTBXH trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, hỗ trợ NCC nhân dịp Tết Nguyên đán. Qua đó, nhằm huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách cải thiện cuộc sống, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; đẩy mạnh công tác chăm lo, chăm sóc thương binh, bệnh binh, NCC và gia đình NCC, tạo điều kiện cho các địa phương vận động đạt kết quả tốt.
Năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận trên 5,514 tỷ đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đạt 137,8% chỉ tiêu, trong đó hỗ trợ làm mới 47 nhà tình nghĩa với số tiền gần 2,83 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện việc cất, sửa nhà theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đối với 6.513 hộ NCC, bao gồm: xây mới 3.825 hộ, sửa chữa 2.688 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ là 245,01 tỷ đồng.
Ngoài chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với NCC tham gia điều dưỡng tập trung theo quy định, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 22/12/2022 quy định mức chi hỗ trợ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với NCC thêm 1 triệu đồng/NCC.
Hằng năm, Sở LĐTBXH tổ chức đưa khoảng 600 NCC đi điều dưỡng tập trung tại Đà Nẵng, Ninh Bình, Bình Định, Nha Trang, Côn Đảo, Bình Thuận, Vũng Tàu, Long Đất, Hà Tiên, Đà Lạt và Hà Nội với kinh phí trên 5 tỷ đồng; chi trả chế độ điều dưỡng tại gia đình trên 2.000 NCC do điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh nên không đi điều dưỡng tập trung được với kinh phí khoảng 03 tỷ đồng.
Hiện tất cả 156/156 xã, phường, thị trấn tỉnh An Giang được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh đều được các doanh nghiệp nhận phụng dưỡng hàng tháng đến cuối đời từ 1 đến 2 triệu/tháng; hầu hết NCC đều có nhà ở và đời sống ổn định.
Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh nhấn mạnh, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương đã tác động tích cực, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là cấp xã, phường, thị trấn trong việc lãnh đạo, quản lý công tác chăm sóc NCC.
Những hoạt động tích cực của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình NCC vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời có tác dụng giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ./.
Hồng Minh