An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lâm Đồng: Thực hiện kịp thời chính sách cho gần 37.000 đối tượng bảo trợ xã hội
04:17 PM 27/08/2024
(LĐXH) - Tính đến hết tháng 6/2024, tổng số đối tượng nhận trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng và trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 36.921 đối tượng với kinh phí thực hiện 113 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.
Công tác chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm
Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 30.382 đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí 14,49 tỷ đồng; hỗ trợ mai táng phí cho 1.126 người với kinh phí 8 tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất cho 912 hộ gia đình với kinh phí 1,54 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ bưu điện. Mức chuẩn trợ cấp thực hiện đến tháng 6/2024 được áp dụng mức chuẩn là 360.000 đồng/tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ. Từ ngày 01/7/2024 áp dụng mức chuẩn là 500.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính đã hướng dẫn các địa phương phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 và Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ; Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư số 76/2021/TT-BTC ngày 15/9/2021 và Thông tư số 50/2024/TT-BTC ngày 17/7/2024 của Bộ Tài chính theo đúng đối tượng, đúng chế độ và đảm bảo kịp thời.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã thực hiện 01 cuộc thanh tra về việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội tại huyện Di Linh; tổ chức 01 lớp tập huấn triển khai công tác bảo trợ xã hội với 141 đại biểu tham dự (bao gồm cán bộ phụ trách cấp huyện và cấp xã), tổ chức 01 lớp tập huấn triển khai chính sách đối với người khuyết tật tại huyện Lâm Hà với 137 người khuyết tật tham dự.
Tính đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp không dung tiền mặt cho 18.216 đối tượng bảo trợ xã hội, đạt tỷ lệ 49,73% với kinh phí chi trả trong 7 tháng là hơn 39 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng còn lại, vận động đối tượng thực hiện mở tài khoản nhằm phục vụ cho việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ theo yêu cầu đề ra.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc chi trả chế độ bảo trợ xã hội được thực hiện thường xuyên liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp đã đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đối tượng. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các thủ tục cải cách hành chính theo quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng khi làm hồ sơ.
Tuy nhiên, theo đánh giá, việc chi trả trợ cấp xã hội do đơn vị dịch vụ thực hiện, trong quá trình thực hiện chính sách chi trả không dùng tiền mặt đến đối tượng bảo trợ xã hội còn gặp khó khăn vì phát sinh nhiều loại chi phí khác. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng lệ phí chi trả là 1,5% trên tổng số tiền chi trả. Thực hiện Thông tư số 50/2024/TT-BTC ngày 17/7/2024 của Bộ Tài chính, địa phương đang tổng hợp báo cáo đánh giá để có cơ sở đề xuất UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi phí chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả đảm bảo theo quy định.
Thêm vào đó, Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH và một số văn bản hướng dẫn khác có liên quan đối với việc xác định mức độ khuyết tật theo các mẫu, phiếu chưa thật sự phù hợp; việc xét trợ cấp xã hội cho đối tượng tại địa phương vẫn còn vướng mắc trong quá trình thực hiện xác định mức độ khuyết tật và thiết lập hồ sơ; chưa thống nhất trong việc xác định khuyết tật, đặc biệt là đối với các trường hợp thần kinh tâm thần, khuyết tật trí tuệ và khuyết tật khác.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội tham gia chăm lo giúp đỡ đối tượng bảo trợ xã hội; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội tại các địa phương, nhất là công tác chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội do cơ quan Bưu điện thực hiện; tình hình cấp thẻ BHYT; kiểm tra quy trình xét duyệt và công nhận đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng; hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật… Tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát, xác định và công nhận đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 và Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024  của Chính phủ. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo phục vụ công tác quản lý và kiểm tra theo quy định. Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2020-2030, Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rồi nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 và Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020-2030 địa bàn tỉnh Lâm Đồng./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương