An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lai Châu: Triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững
04:48 PM 12/08/2024
(LĐXH)- Những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các chính sách, chương trình giảm nghèo được triển khai khá toàn diện, đầy đủ. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và vận động người dân cùng tham gia thực hiện công tác giảm nghèo. Đảng bộ các cấp đều ban hành nghị quyết về giảm nghèo bền vững; bộ máy chỉ đạo điều hành được thành lập để tham mưu triển khai các chính sách đến với đối tượng thụ hưởng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực, tăng cường trách nhiệm, tích cực phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ về giảm nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp dân cư, nhất là người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo; đồng thời tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và mang tính bền vững, tỉnh Lai Châu thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất... Trong đó, vận dụng linh hoạt hỗ trợ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Qua các lớp đào tạo nghề, người dân có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tổng nguồn vốn huy động, phân bổ của tỉnh cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG)  giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 của tỉnh Lai Châu là 1.417,3 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương là: 1.382 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 35,3 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6 năm 2024, tỉnh đã giải ngân gần 837,6 tỷ đồng, đạt 59,1% kế hoạch, trong đó: Ngân sách trung ương giải ngân gần 815,2 tỷ đồng, đạt 58,98% kế hoạch; Ngân sách địa phương giải ngân 24,4 tỷ đồng, đạt 63,5% kế hoạch.
Từ các nguồn vốn này, tỉnh đã thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình mới và duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt; hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế miễn phí; phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời, tích cực triển khai Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh thực hiện công khai cơ cấu các nguồn kinh phí đầu tư đối với các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn để người dân thảo luận, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của. Địa phương thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động; làm tốt công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng như vận dụng linh hoạt các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương đã giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, góp phần đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Cụ thể: Giai đoạn 2021-2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 3,78%/năm (năm 2021 giảm 3,01%, năm 2022 giảm 3,68%; năm 2023 giảm 4,66%), vượt mục tiêu đề ra. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) đạt trung bình 3,77%/năm, đạt mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã giảm 8.060 hộ nghèo (từ 33.486 hộ xuống còn 25.426 hộ), thu nhập bình quân của hộ nghèo về cơ bản tăng lên hàng năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 99% xã có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học và 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG nói chung, Chương trình MTQG giảm nghèo nói riêng đã đem lại hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh Lai Châu, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân./.
Khánh Linh
 

 

 

 

TAG: triển khai hiệu quả chính sách tạo sinh kế
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện