Lai Châu nỗ lực giảm nghèo bền vững
(LĐXH)-Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới, diện tích tự nhiên chủ yếu là địa hình dốc, chia cắt nên tỷ lệ đất sản xuất và đất có khả năng sản xuất thấp. Có đường biên giới dài 265,165 km, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Năm 2016, toàn tình có 75/96 xã đặc biệt khó khăn, có 6/7 huyện thuộc danh sách 61 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm: 40,4%. Có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, bên cạnh những dân tộc có điều kiện phát triển khá là những dân tộc đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, huy động mọi nguồn lực của đia phương để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV). Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn miền núi được cải thiện đáng kể; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Để triển khai thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020, công tác chỉ đạo điều hành trong thực hiện luôn có sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương, vì vậy đã tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội; tạo điều kiện cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng có nhiều cơ hội và động lực nỗ lực giảm nghèo.
Công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; sự ủng hộ, giúp đỡ của các Tập đoàn kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã được bố trí trên 2.344 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương đóng vai trò chủ đạo (chiếm 88,3%).
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu tỉnh đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cơ bản phù hợp với thực tiễn nghèo đói của tỉnh; lựa chọn các vùng, các dân tộc đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, phù hợp với trình độ của người dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương hướng dẫn cách làm, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ gạo, tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ về y tế, nhà ở, điện, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, chương trình 30a…Từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh phân bổ choChương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, tỉnh đã thực hiện đầu tư 515 công trình và duy tu bảo dưỡng 593 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt...; hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho 200 nghìn lượt hộ; hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ 396 nghìn ha rừng; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế miễn phí (trên 1 triệu lượt hộ)...
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng được lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy. Mọi việc đều có sự tham gia bàn bạc, thống nhất của Nhân dân, bà con được đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát từ kế hoạch cho đến triển khai thực hiện. Chương trình MTQGGNBV đã tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn miền núi, tạo sự bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng xã, bản an toàn và hạnh phúc.
Với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận vươn lên của nhân dân, kinh tế của tỉnh có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 11,5%, GRDP bình quân đầu người đạt gấp gần 2,3 lần so với năm 2015. Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nguồn nước, khoáng sản; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%...
Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh có 5.300,06km, tăng 940,2km so với cuối năm 2015. Tỷ lệ cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn đạt 54,67%, tăng 1.029km so với cuối năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 94/94 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có mặt đường được cứng hóa, đạt kế hoạch đề ra (tăng 3 xã so với năm 2015); 93,68% thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình 5,07%/năm trong giai đoạn 2016-2019, từ 40,4% đầu năm 2016 xuống còn 20,12% cuối năm 2019. Ước thực hiện giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,75%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 18,2 triệu đồng năm 2015 lên 36,9 triệu đồng năm 2019. Trong giai đoạn 2016-2019 toàn tỉnh có 02 huyện ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và có 19/66 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình MTQGGNBV trên địa bàn tỉnh cũng còn một số khó khăn như: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, các hộ mới thoát nghèo đời sống còn rất khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao; năng lực một số cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo còn hạn chế; việc điều tra khảo sát nhu cầu hỗ trợ của người nghèo ở một số nơi chưa sát thực tế. Hình thức, nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo chưa phù hợp với từng đối tượng. Một bộ phận người nghèo, hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Việc huy động nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ các hộ nghèo, nhất là huy động của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế vì là tỉnh nghèo, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ... Tất cả trở thành những thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững ở Lai Châu hiện nay. Toàn tỉnh có 4/7 huyện nghèo; 62/94 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới; còn gần 20.000 hộ nghèo, tỷ lệ hơn 16%; hơn 10.000 hộ cận nghèo, tỷ lệ hơn 10%.
Để công tác giảm nghèo đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra cho giai đoạn 2020 - 2025 là giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm, huyện nghèo giảm 4%/năm, đòi hỏi tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, đề ra giải pháp phù hợp, thiết thực, sát với tình hình thực tiễn.
Trước hết cần cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về giảm nghèo; tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp dân cư và người nghèo bằng nhiều hình thức và nhiều thứ tiếng để phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Đồng thời, tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, tập trung vào hệ thống giao thông nông thôn, đường nội đồng, thủy lợi, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển hệ thống trường học, trạm y tế, bưu chính viễn thông.... Giảm nghèo nhưng phải đảm bảo tính bền vững, do đó giảm dần các chính sách cho không, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ tín dụng cho người nghèo; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã. Thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động. Thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với thực hiện triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Năng lực cán bộ luôn là vấn đề quyết định cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp nói chung và làm công tác giảm nghèo nói riêng, cho nên cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; điều động luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí chủ chốt ở huyện, xã khó khăn để nâng cao công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù vùng cũng như tổ chức thực hiện thiết thực và hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững. Chú trọng đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; đào tạo phải gắn Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, nhu cầu của các doanh nghiệp, xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và uốn nắn những sai phạm trong tổ chức thực hiện kế hoạch và các chính sách giảm nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện...
Với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm cao qua từng năm là kết quả xứng đáng cho một nhiệm kỳ nỗ lực vượt khó vươn lên của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Đâychính là động lực để cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này trong những năm tiếp theo./.
Mỹ Anh
TAG: