Lai Châu: Ghi nhận những kết quả trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, quan tâm chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Cụ thể: Thực hiện chính sách trợ giúp đột xuất, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ 138.546 suất quà, kinh phí 47.799 triệu đồng cho các đối tượng. Từ nguồn gạo của Chính phủ đã hỗ trợ 6.537 hộ, với 12.292 khẩu; Hỗ trợ 41 hộ gia đình có người chết, người bị thương, nhà đổ sập trôi, cháy, hư hỏng do thiên tai, hỏa hoạn và các lí do bất khả kháng khác.
Đối với chính sách trợ giúp thường xuyên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho các đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp trên địa bàn. Việc giải quyết hồ sơ tuân thủ theo đúng quy trình, thủ tục, thời gian quy định. Thống kê hiện nay, tỉnh Lai Châu đang quản lý, chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho 8.813 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí 20.923,6 triệu đồng, trong đó trợ cấp tại cộng đồng 8.717 đối tượng, kinh phí 21.012 triệu đồng; tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 96 đối tượng, kinh phí 912,09 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện cấp mai táng phí cho 237 đối tượng. Triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện để việc giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng không bị gián đoạn.
Công tác chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành
Trong công tác chăm sóc người khuyết tật, đã theo dõi, đôn đốc 100% các xã, phường, thị trấn có người khuyết tật kiện toàn Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; cấp giấy xác nhận khuyết tật cho 4.455/4.485 người khuyết tật, đạt tỷ lệ 99,33%. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách trợ cấp cho 3.093 người khuyết tật, kinh phí 10.107 triệu đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 3.935/4.226 người khuyết tật, đạt 93%. Đôn đốc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tham mưu UBND ban hành Kế hoạch triển khai trợ giúp người khuyết tật dựa vào cộng đồng và kế hoạch phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Đến nay 8/8 huyện, thành phố đều đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện.
Trong công tác chăm sóc người cao tuổi, hiện nay tỉnh Lai Châu đang quản lý 29.647 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 6,26% dân số. Trong 6 tháng đầu năm, công tác người cao tuổi được quan tâm thực hiện kịp thời. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đôn đốc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, hướng dẫn công chức lao động cấp xã lập, thẩm định hồ sơ đề nghị UBND cấp huyện giải quyết trợ cấp bảo trợ xã hội kịp thời; tổ chức rà soát người cao tuổi từ 75 – 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở thôn, bản đặc biệt khó khăn để giải quyết trợ cấp thường xuyên theo hướng dẫn tại Nghị định 20/2021/NĐCP; rà soát, lập hồ sơ người cao tuổi không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng đủ điều kiện tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội; đẩy mạnh công tác rà soát, triển khai việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại cộng đồng; tiếp tục tuyên truyền Luật người cao tuổi và các chế độ chính sách của nhà nước đối với người cao tuổi; thực hiện tốt công tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi. Toàn tỉnh đã xác nhận và đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 28.401 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 95,8%; giải quyết và chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho 4.595 người cao tuổi, kinh phí 8.730,8 triệu đồng; chúc thọ, mừng thọ cho 1.889 NCT.
Công tác hướng dẫn xác định, lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế được chú trọng. Sở đã đôn đốc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các xã lập danh sách, xác nhận đề nghị Bảo hiểm xã hội huyện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 320.331 người. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện báo giảm 114.793 thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng sống ở vùng đặc biệt khó khăn và người dân tộc thiểu số sống ở các xã thuộc khu vực I theo quy định tại Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 433/QĐ-UBDT. Đồng thời tổng hợp báo cáo đánh giá những tác động của việc thực hiện 02 quyết định trên đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu gửi Ban Dân tộc tỉnh trình UBND tỉnh đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đến 31/12/2021 để các cơ quan chuyên môn có thời gian tuyên truyền triển khai và vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng phù hợp.
Theo ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hướng dẫn tận tình về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, UBND các cấp, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân. Chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của đối tượng, giúp đối tượng bảo trợ xã hội giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa đa dạng, chưa thực sự hiệu quả ở một số xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số cán bộ ở cấp cơ sở trình độ, năng lực còn hạn chế nên việc tham mưu cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã còn lúng túng, nhất là việc xác định dạng tật tâm thần, dạng tật khác. Việc giải quyết trợ cấp cho nhóm người cao tuổi gặp khó khăn; một số đối tượng chưa phối hợp trong khâu hoàn thiện hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp; việc rà soát, tăng, giảm đối tượng chưa thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do Lai Châu là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa; trình độ dân trí ở các xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên khó khăn cho công tác tuyên truyền, triển khai chính sách. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã không có trình độ chuyên môn về y tế; việc xác định dạng tật, mức độ khuyết tật chủ yếu thông qua quan sát, phỏng vấn nên khó khăn trong việc xác định một số dạng tật. Một số đối tượng người cao tuổi không nhớ chính xác năm sinh, các giấy tờ tùy thân ghi năm sinh không thống nhất nên khó khăn trong việc xác định thời điểm hưởng trợ cấp. Công tác chi trả thực hiện qua đơn vị cung cấp dịch vụ, việc giám sát chi trả của công chức lao động xã hội ở một số xã chưa thường xuyên nên UBND cấp xã gặp khó khăn trong việc quản lý đối tượng trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội như: Rà soát, tổng hợp số hộ có nguy cơ thiếu đói hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt để có phương án hỗ trợ. Đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động - TBXH. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên, trợ cấp đột xuất, đồng thời thực hiện kế hoạch công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn việc xác nhận danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành để hạn chế tối đa việc cấp sai, cấp trùng hoặc bỏ sót đối tượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân tham gia trợ giúp các đối tượng yếu thế xã hội; tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng yếu thế để họ không còn tự ti với số phận, vươn lên trong cuộc sống. Tăng cường cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách với đối tượng này trên tất cả các lĩnh vực như hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội…/.
Hồng Phượng
TAG: