Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
(LĐXH) - Cù Lao Dung là một huyện khá đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng với 8/8 đơn vị hành chính đều là xã đảo nằm cuối dòng sông Hậu vốn còn gặp nhiều khó khăn do nằm cách biệt với đất liền. Tuy nhiên, bức tranh vùng quê ngày nào nay đã từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên khởi sắc nhờ phát huy mạnh mẽ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau hơn 13 năm xây dựng Nông thôn mới, ngày 31/7/2024, Cù Lao Dung chính thức vươn lên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có xã An Thạnh 1 đã 3 lần liên tiếp về đích đầu tiên xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài thế mạnh về xuất khẩu lao động, Cù Lao Dung còn nổi tiếng với nhiều khu du lịch...
Hiện toàn huyện có 13.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Địa phương đã hình thành 42 vùng trồng tập trung, trong đó, có 8 vùng trồng đã được cấp 29 mã Code (truy xuất nguồn gốc), 4 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP; hàng năm liên kết xuất khẩu trên 5 tấn thanh nhãn sang thị trường Australia và Hoa Kỳ; diện tích nuôi nuôi tôm nước lợ hơn 3.600 ha/năm.
Xác định công tác đào tạo nghề và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương trong huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để người dân được học nghề, tiếp cận việc làm, thu nhập ổn định.
Các mô hình phát triển du lịch nông thôn ở Cù Lao Dung...
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cù Lao Dung đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Sóc Trăng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để kết nối, tư vấn, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hiệu quả việc tham gia lao động ở nước ngoài và hỗ trợ vay vốn để đi lao động ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng.
“Bên cạnh đó, địa phương còn quan tâm đến đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong 9 tháng năm 2024, trung tâm đã khai giảng được 22 lớp đào tạo nghề sơ cấp với 365 học viên tham gia; đây là những lớp đào tạo ngắn hạn, thời gian dưới 3 tháng và chủ yếu đào tạo về làm nail, điện dân dụng, chăn nuôi bò sinh sản, gia công may, tin học căn bản...”, bà Lâm Thị Mỹ Ên - Giám đốc Giám Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết.
...góp phần không nhỏ trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế của một huyện xã đảo vùng sông Hậu
Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề khác trên địa bàn huyện còn đào tạo thu hút được 212 lao động; nâng tổng số lao động trên địa bàn huyện lên 597 người, đạt 85,28% kế hoạch. Đặc biệt, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho người dân đang tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Công tác giải quyết việc làm luôn được Cù Lao dung chú trọng thực hiện. Trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 1.779 lao động (đạt 88,95% kế hoạch), trong đó, 38 lao động ngoài nước như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Ấn Độ, vượt 52% kế hoạch.
Hằng năm, UBND huyện còn chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động và tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu làm việc. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người lao động và đúng quy định pháp luật.
Thực tế, thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn cộng đồng đã tạo hiệu ứng tốt để lao động địa phương tin tưởng, mạnh dạn đăng ký đi làm việc trong, ngoài nước nhằm nâng cao thu nhập, giúp cho gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, địa phương luôn tạo điều kiện về thực hiện các thủ tục cần thiết để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp khi có nhu cầu.
Có thể nói, Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về "Quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm từ ngân sách tỉnh ủy thác" đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động, du học sinh trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn. Thời gian tới, Chi nhanh Ngân hàng chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tạo mọi nguồn lực để giúp lao động đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn chương trình, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Hà Giang
TAG: