An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 17 năm 2022
10:29 PM 26/04/2022
(LĐXH) - Trong không khí phấn khởi chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027, chiều ngày 26/4/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội (25/4/1992 - 25/4/2022) và Chương trình Giao lưu nghệ thuật “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 17.
Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Tới dự, có Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương. Về phía Trung ương Hội, có Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đồng chí Lương Phan Cừ, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam khóa V; đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Cùng tham dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân là những mạnh thường quân, những nhà tài trợ luôn đồng hành cùng với Hội trong nhiều năm qua.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Phát biểu chỉ đạo, Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song Đảng và Nhà nước ta vẫn đặc biệt quan tâm tới những đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Tiếp nối sự nghiệp chăm sóc những người yếu thế, truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tích cực đóng góp, giúp đỡ hàng chục triệu người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, qua đó cũng lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội.
Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới những tấm lòng nhân ái, những đóng góp cả về vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân đối với người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam có khoảng 400.000 trẻ mồ côi, 6,4 triệu người khuyết tật và nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, do vậy các cấp, các ngành, đơn vị cần tăng cường hơn nữa việc huy động nguồn lực để trợ giúp các đối tượng, đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng lúc. “Mỗi người đóng góp một chút san sẻ để ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc, phát huy hết đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mọi người sống trong môi trường an lành, từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị tràn ngập yêu thương”- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Báo cáo tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Những năm đầu của thập kỷ 90, khi nước ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập, đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân, nhất là đời sống người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi lại càng khó khăn hơn. Để thực hiện công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa việc khai thác, huy động nguồn lực với phương châm nhà nước và nhân dân làm để chăm lo cho đối tượng yếu thế. Các tổ chức Hội xã hội từ thiện được khuyến khích thành lập. Trong bối cảnh đó, ngày 25/4/1992, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) cho phép thành lập và từ đó Ngày 25/4/1992 trở thành ngày truyền thống của Hội.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam là tổ chức xã hội, tập hợp, đoàn kết tổ chức, công dân Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; cùng hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi; góp phần đẩy mạnh trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Tiết mục biểu diễn của các trẻ khuyết tật
Trải qua 30 năm hoạt động, xây dựng và phát triển, được sự  quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương; Sự hưởng ứng, ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước; Sự nỗ lực phấn đấu đầy nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, hội viên qua các thời kỳ, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ những ngày đầu mới chỉ có cơ quan Hội ở Trung ương và hơn một chục Hội thành viên cấp tỉnh được thành lập với tổng số khoảng 5.000 hội viên, đến nay Hội đã có 45 hội cấp tỉnh, 292 hội cấp huyện, 2006 hội cấp xã, 1.565 chi hội và 5.938 hội viên tập thể, 566.335 hội viên cá nhân, tạo thành mạng lưới tương đối rộng rãi ở các địa phương, cơ sở.
Hoạt động Hội ngày càng đa dạng, thiết thực và hiệu quả, trong đó hoạt động vận động nguồn lực cộng đồng để trợ giúp đối tượng là hoạt động chủ yếu. Kết quả vận động tăng dần hàng năm, từ chỗ bình quân mỗi năm chỉ vận động được trên dưới 200 tỷ giai đoạn đầu, đến nay bình quân mỗi năm, Hội vận động được từ 500 đến 600 tỷ đồng bao gồm cả tiền và hiện vật quy thành tiền. Nguồn lực đó đã trợ giúp cho hàng chục triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trong cả nước cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhà ở, đi lại, học hành, học nghề, việc làm, sinh kế… Tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách về người khuyết tật, về trẻ em cũng như các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng; tham gia có trách nhiệm vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách; làm tốt vai trò đại diện tiếng nói của NKT, của trẻ em, góp phần xây dựng một xã hội không rào cản; chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, khuyến khích người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tự tin, tự lực vươn lên, khắc phục khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp tại Lễ kỷ niệm
Với những kết quả đạt được trong 30 năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng với nhiều phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Lao động Hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động Hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng các Bộ. Hội là địa chỉ tin cậy, nơi gửi gắm tấm lòng, tình cảm và sự sẻ chia của các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo; là chỗ dựa tinh thần, là mái ấm thân thương của người khuyết tật, trẻ mồ côi trong cả nước.
Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm cũng nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập là dịp để nhìn lại chặng đường đã di qua, tự hào về những gì Hội đã đóng góp cho xã hội nhưng cũng là dịp để rút ra những điều còn trăn trở, tâm huyết mà chưa làm được, để cùng nhau cố gắng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Hội, cảm ơn sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, cấp ủy, chính quyền cũng như các cơ quan chuyên môn ở địa phương, nhất là ngành LĐTBXH, ngành Nội vụ, ngành Tài chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp… Và đặc biệt hơn, nhân dịp này toàn thể cán bộ hội viên của Hội xin được bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc nhất đối với tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước suốt 30 năm qua đã luôn tin tưởng đồng hành, phối hợp cùng với Hội, đi đến mọi miền đất nước, đem tấm lòng, tình thương, sự sẻ chia đối với những mảnh đời kém may mắn trong xã hội. Có thể nói nếu không có sự đồng hành và sẻ chia đó Hội chúng ta không có được kết quả như ngày hôm nay. Và trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và Chương trình giao lưu “Một trái tim- Một thế giới” lần thứ 17 hôm nay, hình ảnh về sự đồng hành, sẻ chia đó lại được thể hiện một cách sinh động với hơn 50 nhà tài trợ, mạnh thường quân sẽ trực tiếp trao gửi Hội những món quà đến người khuyết tật, trẻ mồ côi trong cả nước.
Nhân dịp này, toàn thể cán bộ Hội viên Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam xin hứa với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy truyền thống 30 năm xây dựng, phát triển của một Hội xã hội đặc thù, đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, năng động, nhạy bén, thích ứng linh hoạt để tập hợp, kết nối ngày càng tốt hơn với các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, huy động ngày càng nhiều nguồn lực cộng đồng để cùng Nhà nước chăm lo cải thiện đời sống người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo góp phần vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Cam kết với các nhà tài trợ, các mạnh thường quân tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các gói trợ giúp, các Chương trình, dự án tài trợ cho NKT, trẻ mồ côi, người nghèo, tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đến tận tay đối tượng và đúng ý nguyện của nhà tài trợ và rất mong được tiếp tục đồng hành với các nhà tài trợ.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm và Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 17, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trao Kỷ niệm chương cho Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam; trao Bằng chứng nhận Tấm lòng vàng cho các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho Hội. Nhân dịp này, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã trao ủng hộ kinh phí hỗ trợ Hội trong công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương