An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vốn tín dụng chính sách với công cuộc giảm nghèo bền vững ở Sơn La - Kỳ 3: “Cầu nối” đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo
11:01 AM 06/08/2020
(LĐXH) Có thể khẳng định vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, để nguồn vốn ưu đãi đến được đúng đối tượng, được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao và được bảo toàn có phần đóng góp quan trọng và đầy nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của bao người, đặc biệt là những cán bộ NHCSXH, cán bộ phụ trách lĩnh vực tín dụng chính sách ở cơ sở, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, triển khai chính sách tín dụng ưu đãi từ tỉnh xuống cơ sở
Mặc dù chúng tôi đã có nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với ông Lê Thái Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La và có những cuộc trao đổi một cách cởi mở, chân tình về những thông tin, số liệu liên quan đến các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, các mô hình người nghèo vay vốn ưu đãi làm ăn có hiệu quả ở Sơn La, song khi chúng tôi ngỏ ý sẽ phản ánh trên mặt báo về những công việc, những đóng góp của cá nhân ông vào kết quả, thành công của Chi nhánh NHCSXH Sơn La nói riêng và kết quả của việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, ông lại tỏ vẻ ngại ngần, bởi theo ông đó chỉ là “những công việc thường ngày và không có gì đáng nói. Những đóng góp của ông chỉ là nhỏ bé trong sự nỗ lực chung của cả tập thể ”.  
Ông Lê Thái Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La.
Phải thuyết phục ít lâu ông mới dè dặt chia sẻ câu chuyện về công việc của mình. Ông Lê Thái Hà năm nay 45 tuổi, kể từ ngày bắt đầu vào làm việc tại Chi nhánh NHCSXH Sơn La năm 2003 với vị trí cán bộ kế toán; sau chuyển sang làm Kế toán trưởng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phù Yên; Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Yên rồi Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La như hiện nay, ông Lê Thái Hà đã có 17 năm gắn bó với “nghiệp” tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh miền núi Sơn La này. Theo ông, làm công việc liên quan đến ngân hàng, tiền nong... đã đau đầu, nhưng khi khách hàng của ngân hàng nơi ông công tác lại là những người nghèo, đối tượng chính sách yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, để triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách ở tỉnh, bảo đảm người vay sử dụng đồng vốn có hiệu quả, nguồn vốn được bảo toàn, số nợ quá hạn ở mức thấp nhất thì ông phải vất vả, căng thẳng hơn nhiều. Song với tính cách chăm chỉ, chịu khó, không ngại khó khăn, gian khổ, ở vị trí công tác nào ông cũng luôn tận tâm, tận lực, làm việc hết mình để đạt kết quả cao nhất.
Ông Lê Thái Hà kiểm tra tình hình sử dụng vốn tín dụng chính sách
với mô hình nuôi gà ri ở xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La.
Ông tâm sự: “ Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tôi luôn chủ động, tìm tòi, sáng tạo trong công việc nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất và hiệu quả công việc cho cán bộ, gắn trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên trong thực thi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tôi rất chú trọng đến công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất; giám sát từ xa và giám sát trong nội bộ nhằm phát hiện các sai sót, tồn tại để có biện pháp uốn nắn, xử lý kịp thời, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng tín dụng ở cơ sở ".
Bên cạnh đó, tôi còn cố gắng phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp trong thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các cấp chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; lồng ghép các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh điển hình và sử dụng vốn vay hiệu quả; hướng dẫn người vay sử dụng tốt đồng vốn, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu...”
Với những đóng góp của ông cùng các cán bộ, nhân viên trong hệ thống tín dụng chính sách xã hội Sơn La, nợ quá hạn của toàn Chi nhánh NHCSXH tỉnh tính đến cuối năm 2019 chỉ là 4.347 tỷ đồng, chiếm 0,08% tổng dư nợ, giảm hơn 25% so với năm 2015; 9/12 đơn vị thuộc hệ thống tín dụng chính sách xã hội tỉnh có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,05%/tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
“Cầu nối” đưa vốn vay ưu đãi đến với người nghèo ở cơ sở
Công việc của ông Lê Thái Hà và những cán bộ tín dụng chính sách xã hội ở Chi nhánh NHCSXH tỉnh có vẻ “vĩ mô”, mang tầm “chỉ đạo, quản lý, điều hành” thì nhiệm vụ của các cán bộ thuộc các Hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng các tổ TK&VV... lại liên quan trực tiếp đến người vay vốn ưu đãi, đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc đồng vốn ưu đãi có đến đúng đối tượng, được sử dụng và phát huy hiệu quả hay không.
Qua cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Dự, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La - một người đã có “thâm niên” hơn 9 năm làm công tác tín dụng chính sách cho biết: Tính đến cuối năm 2019 tổng dư nợ Hội Cựu chiến binh xã Song Pe quản lý là gần 8 tỷ đồng tại 4 Tổ TK&VV với 190 hộ vay, bình quân 42 triệu đồng/hộ, thuộc 10 chương trình tín dụng  gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... Nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước qua NHCSXH đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống của các hộ nghèo ở địa phương.
Song Pe là xã vùng cao, còn nhiều khó khăn về đường giao thông, điều kiện kinh tế chưa phát triển, phong tục tập quán một số nơi còn lạc hậu làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội và việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, vốn là một người lính, ông Dự không quản ngại khó khăn, vất vả đến tận các bản trong xã để tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng ưu đãi, nhất là các chương trình cho vay mới, mức vay, thời gian vay tối đa; hướng dẫn cách thức thành lập các Tổ TK&VV, bình xét đối tượng vay vốn, sinh hoạt tổ... Ông còn bố trí thời gian đến tận các hộ gia đình để kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay. Ngay từ đầu năm, ông Dự đã chỉ đạo Hội lập kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với 100% Tổ TK&VV, tại mỗi tổ kiểm tra ít nhất 5 hộ vay vốn. Ngoài ra Hội còn thực hiện kiểm tra 100% các món vay trong thời gian 30 ngày kể từ khi NHCSXH phát tiền cho hộ vay. Cùng với đó, ông duy trì, nhân rộng những hộ sản xuất điển hình tại các bản, tổ chức các buổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa các hội viên cựu chiến binh trong toàn xã; tham mưu với Đảng ủy, UBND xã tổ chức các lớp tập huấn về cách chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc cho các hộ vay vốn của NHCSXH. Do thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, các sai sót được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, cho vay vốn kết hợp với hướng dẫn cách làm ăn nên trong nhiều năm nay nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội Cựu chiến binh xã Song Pe quản lý không xảy ra trường hợp xâm tiêu, chiếm dụng vốn nào. Đại đa số các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã và đang phát huy hiệu quả tốt.
Chị Sa Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ TK&VV ở Bản Nà Lìu 2, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên
trong một buổi họp với các thành viên của Tổ
Tuy mới 33 tuổi nhưng chị Sa Thị Thủy đã có ngót chục năm làm Tổ trưởng Tổ TK&VV ở Bản Nà Lìu 2, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Chị tâm sự: “Đa số các hộ dân trong bản Nà Lìu 2 thuộc diện tái định cư cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, hiểu biết về nguồn vốn tín dụng chính sách còn rất hạn chế, kém năng động, nhạy bén trong  chuyển hướng sản xuất kinh doanh, có hộ sau khi vay vốn thì dùng cho chi tiêu, sinh hoạt gia đình, hoặc “bỏ ống” cất đi, vì vậy công tác giải ngân, thu nợ và kiểm tra việc sử dụng vốn vay của tôi gặp không ít khó khăn. Có không ít lần tôi lặn lội vượt đường xá xa xôi đến kiểm tra mà người vay tránh mặt không cho gặp. Nhưng xác định mình phải liên đới cùng chịu trách nhiệm với người vay trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng nên tôi kiên trì  tìm cách tiếp cận, rồi động viên, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đầy đủ, đúng hạn; tuyên truyền cho các hộ hội viên trong Tổ tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, dần làm quen với sản xuất hàng hóa, và hoạt động tín dụng, tài chính. Giờ đây, gần 50 thành viên trong Tổ TK&VV ở bản tôi đã gắn bó, thân thiết với nhau như người thân trong nhà, định kỳ họp mặt, quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều tâm tư, tình cảm và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, cuộc sống của các gia đình đã tốt lên trông thấy!”.
Với vai trò là người tham gia quản lý, điều hành, triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, hay là những người trực tiếp tham gia vào quá trình bình xét, lựa chọn đối tượng vay vốn ưu đãi, chuyển vốn kịp thời đến người vay, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và đôn đốc các hộ vay vốn trả nợ đúng hạn..., những người như ông Hà, ông Dự, chị Thủy thực sự là những “cầu nối” đưa vốn vay ưu đãi đến với người nghèo, là những “mắt xích” quan trọng trong quá trình triển khai hiệu quả một chính sách đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. 
Thảo Lan
 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương