An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vốn tín dụng chính sách với công cuộc giảm nghèo bền vững ở Sơn La - Kỳ 2: “Dấu ấn” của tín dụng chính sách trên vùng đất khó
10:58 AM 05/08/2020
(LĐXH) Tỉnh Sơn La có 12 huyện, thành phố; 204 xã, phường, thị trấn thì có tới 5 huyện nghèo, 112 xã và 1.708 bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với những vùng đất còn nhiều gian khó này thì nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự là nguồn lực quan trọng giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, cải thiện đời sống, thậm chí nhiều hộ đã từng bước vươn lên làm giàu.
Nguồn lực quan trọng để giải nhanh bài toán giảm nghèo ở Quỳnh Nhai
Quỳnh Nhai nằm ở vị trí xung quanh được bao bọc bởi lòng hồ Sông Đà và các dãy núi với độ cao trung bình 800 - 900m so với mặt nước biển, người dân tộc thiểu số ở huyện chiếm tới hơn 95%.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Mai cho biết, trước năm 2019, Quỳnh Nhai là một trong 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La, nằm trong 64 huyện nghèo của cả nước được thực hiện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân thiểu số. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 24,9%. Do đó, huyện luôn xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm và việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo là một trong những nguồn lực quan trọng để giải nhanh bài toán giảm nghèo ở địa phương. Chính vì vậy, UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác rà soát và ban hành quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... làm cơ sở để NHCSXH thực hiện rà soát, cho vay kịp thời.
Theo ông Đào Trọng Dương, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quỳnh Nhai: Doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 349,2 tỷ đồng với 11.647 lượt khách hàng được vay vốn.
Nhiều người dân tái định cư ở xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai phát triển
mô hình nuôi cá lồng nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách của huyện tính đến cuối năm 2019 là hơn 265 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2016 khoảng 137 tỷ đồng. Trong gần 5 năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp khoảng 940 hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm gần 10%. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 17,9%, hộ cận nghèo còn 10%. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 300 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hơn 700 lao động được tạo việc làm mới, gần 50 hộ nghèo được hỗ trợ vốn cải thiện nhà ở; gần 3170 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng. Huyện cũng phát triển thêm được đàn gia súc gần 100 nghìn con trâu, bò, dê, lợn. Tổng diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm được mở rộng ra khoảng 2150 ha, diện tích mặt nước nuôi thủy hải sản đạt 275 ha. Hiện huyện Quỳnh Nhai có 46 hợp tác xã có hoạt động, sản xuất, kinh doanh thủy hải sản với khoảng 7000 lồng cá.
Một buổi họp với các Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quỳnh Nhai
tại Xã Chiềng Khoong.
Thực tế triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện cho thấy phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị, xã hội đã phát huy tác dụng trong thực hiện tốt việc công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của tổ chức Hội, đồng thời củng cố hoạt động của tổ chức Hội ở cơ sở. Việc bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ bảo đảm đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn đúng mục đích. Mặt khác, việc ủy thác giúp người nghèo có thể tiếp cận dễ dàng, hiệu quả hơn với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của NHCSXH.
 Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo ở Quỳnh Nhai đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị với nguồn lực đầu tư tăng lên đáng kể cùng sự phối hợp, lồng ghép đồng bộ các chương trình, chính sách khác nhau với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, nhất là trong hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với hỗ trợ vốn, hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp về cây, con giống, chuồng trại..., được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn được công khai, lấy ý kiến nhân dân ngay từ khâu đầu khi thực hiện qui hoạch để nhân dân góp ý. Chính vì vậy, đa phần các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện thời gian qua đều phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 5/11 xã được công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, năm 2018 Quỳnh Nhai đã được Chính phủ công nhận là huyện thoát nghèo theo Chương trình 30a.
 
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quỳnh Nhai tổ chức tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội 
cho người dân địa phương.
Hiệu quả thiết thực của vốn vay ưu đãi ở Sông Mã
 
Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La,  huyện Sông Mã có 19 xã, thị trấn thì có tới 17 xã thuộc vùng khó khăn.  Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện lên tới 41,83%.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Mã đã tích cực, chủ động trong công tác huy động nguồn lực tài chính, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và khai thác các nguồn vốn tại địa phương. Mặc dù ngân sách địa phương còn eo hẹp nhưng chính quyền địa phương đã quan tâm bố trí nguồn lực ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách của huyện vay. Tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương là hơn 6,6 tỷ đồng; tổng dư nợ thực hiện 14 chương trình tín dụng của huyện là gần 466 tỷ đồng, tăng hơn 264 tỷ đồng so với năm 2014 (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,2%/năm). Hiện tại, số hộ vay NHCSXH còn dư nợ là gần 15.500 hộ, tăng hơn 4.500 hộ, bình quân dư nợ 30 triệu đồng/hộ, tăng 11,7 triệu đồng so với năm 2014. Số hộ vượt qua ngưỡng nghèo trong 5 năm là gần 3.300 hộ. Từ năm  2014 đến 2019 có gần 1.500 lao động trên địa bàn huyện được tạo việc làm mới.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Mã làm thủ tục
giải ngân vốn vay tín dụng chính sách cho người dân
Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện tổ chức giao dịch tại 19/19 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào một ngày cố định hàng tháng. Chất lượng hoạt động của các Phòng giao dịch NHCSXH tại các điểm cấp xã ngày càng được nâng cao, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn vay ưu đãi. Công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai chính sách tín dụng ưu đãi; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, lãi, thu tiết kiệm và thực hiện qui trình xử lý nợ cũng như tổ chức tất cả các cuộc họp giao ban với đại diện lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đều được Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH thực hiện ngay tại điểm giao dịch xã. Điều này rất có ích trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện chức năng phản biện xã hội, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và người dân.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sông Mã kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại hộ gia đình
Trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, huyện rất chú trọng đầu tư cho vay đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đồng thời hỗ trợ họ kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, nhờ đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của các hộ gia đình dân tộc thiểu số nói riêng và hộ nghèo của huyện nói chung, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý tài chính để từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Bên cạnh đó, nguốn vốn tín dụng ưu đãi cũng góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân địa phương, tập quán canh tác được thay đổi căn bản theo hướng sản xuất hàng hoá (sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị). Nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, toàn huyện cơ bản không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từ 41,83% năm 2016 xuống còn 28,41% vào cuối năm 2019. Kết quả trên cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động rất lớn đến các mặt trong đời sống kinh tế - xã hội huyện Sông Mã, góp phần tích cực vào việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
 Thảo Lan
 

 

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương