An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kon Tum: Thay da đổi thịt ở huyện nghèo Kon Plong
11:06 AM 27/09/2021
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện Kon Plông đã thực hiện 6 Dự án như: Chương trình 30a, kinh phí thực hiện gần 219 tỷ đồng; Chương trình 135, kinh phí thực hiện trên 61,5 tỷ đồng; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; Thông tin và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.
Từ Chương trình 30a, Chương trình 135, huyện đặc biệt khó khăn Kon Plông, đã dần “thay da đổi thịt”. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi nội đồng được cải thiện. Tại xã đặc biệt khó khăn Đăk Ring từ ngày có đường giao thông thuận lợi, đời sống người dân cũng nhiều đổi thay. Hơn 80% đường xá được bê tông hóa. Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi được xây dựng kiến cố đã giúp người dân chủ động được nước tưới, đảm bảo gieo cấy lúa theo đúng thời vụ, chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa hàng năm tăng cao hơn trước đây.
Mô hình trồng cà phê xen sâm dây được triển khai hiệu quả tại xã Đăk Tăng, huyện Kon Plong
Giai đoạn 2016-2020, huyện Kon Plông đã thực hiện các dự án, chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo như Chính sách hỗ trợ sản xuất cho 2.342 lượt hộ vay vốn giải ngân 70,727 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cho 18.081 học sinh bán trú gần 1.397 tấn gạo; hỗ trợ tiền bán trú cho 13.478 học sinh tổng kinh phí 27,515 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ ĐBDTTS nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường, hỗ trợ về y tế. Từ các dự án, chính sách, chương trình hỗ trợ tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm; tỷ lệ năm 2016 là 3.132 hộ nghèo chiếm gần 48%, đến năm 2020 còn 1.149 hộ nghèo chiếm gần 15%. Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2020 đạt gần 34 triệu đồng/năm.
Ông Lê Anh Chính - Phó Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kon Plông cho biết: Các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về giảm nghèo đã góp phần lớn giảm tỷ lệ nghèo trên địa bàn huyện. Thông qua các chương trình này các hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS có cơ hội thoát nghèo. Một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ cây con giống cho bà con rất thiết thực, đó là nguồn động lực để bà con nhân rộng các mô hình, đưa các sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con, nhất là tại các xã khó khăn.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng một cách tối đa, thời gian qua, NHCSXH huyện Kon Plông đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với việc tăng thêm các chương trình tín dụng và đối tượng thụ hưởng đã giúp các hộ vay linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất trên nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kon Plông đang triển khai thực hiện cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến ngày 19.8.2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt 135,16 tỉ đồng với 3.116 hộ còn dư nợ (tăng 146% so với năm 2016). Trong đó, doanh số cho vay đạt 193,48 tỉ đồng với 6.124 lượt hộ vay vốn, doanh số thu nợ đạt 130,65 tỉ đồng. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có vốn đầu tư phát triển SXKD hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 14,98% (tính đến cuối năm 2020).
Một trong những chương trình triển khai thực hiện hiệu quả thời gian qua đó là cho vay hộ nghèo vùng DTTS nhằm giúp các hộ vươn lên làm kinh tế, thay đổi tập quán, tư duy canh tác lạc hậu. Nhờ có nguồn vốn vay từ chương trình, bà con vùng DTTS mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao cuộc sống.
Tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông trong nhiều năm qua, chương trình cho vay tín dụng hộ nghèo, nhất là cho vay các hộ DTTS đã phát huy hiệu quả, qua đó giúp cho nhiều hộ đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình anh Siu Ngọc Un ở thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen là một ví dụ điển hình. Vốn là hộ nghèo tại địa phương, thu nhập chỉ trông chờ từ việc đi làm thuê, đời sống luôn bấp bênh, nhờ được vay vốn ưu đãi chính sách 30 triệu đồng, anh Siu Ngọc Un có vốn trồng cà phê. Hiện tại, vườn cà phê của anh đã cho thu bói, anh dự định vay thêm vốn để tiếp tục đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với việc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, vợ chồng anh còn siêng năng đi làm công cho bà con trong vùng và tằn tiện trong chi tiêu nên cuộc sống gia đình khá hơn. “Nếu không có NHCSXH cho vay vốn và được vận động tuyên truyền, hướng dẫn đầu tư phát triển kinh tế thì có lẽ gia đình tôi càng ngày càng khó khăn vì làm thuê mãi chẳng đủ ăn”, anh Siu Ngọc Un chia sẻ.
Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông Y Bé cho biết: Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp hàng trăm hội viên phụ nữ DTTS tại thị trấn Măng Đen có điều kiện đầu tư sản xuất, thoát nghèo bền vững. Hiện nay Hội Phụ nữ thị trấn có 210 hội viên còn dư nợ trên 19 tỉ đồng. Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đã giúp hội viên mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế có hiệu quả và đem lại thu nhập cao cho người dân, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Đinh Thị Y Diên là hội viên phụ nữ thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách. Chị chia sẻ, được Hội Phụ nữ thị trấn giúp đỡ tín chấp và vay tiền từ NHCSXH để nuôi trâu sinh sản. Cặp trâu giống chị mua đã bắt đầu sinh sản, dự kiến sẽ cho thu nhập ổn định trong thời gian tới từ việc bán giống.
Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kon Plông cũng đã tích cực phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ  công tác ủy thác cho cán bộ, Trưởng thôn, ban quản lý Tổ tiết kiệm vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để giúp nguồn vốn tín dụng nhanh chóng đến tay các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Qua đó, từ 2016 đến nay, cho vay  đầu tư SXKD 119,9 tỉ đồng; xuất khẩu lao động 0,5 tỉ đồng; làm nhà ở 9,56 tỉ đồng với 354 căn nhà; làm 654 công trình NS&VSMTNT; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 0,6 tỷ đồng…
Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kon Plông phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng cung cấp; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn xuống dưới mức 0,1%.
Giai đoạn 2021-2025 sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới.Với tiêu chí cao hơn, đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS của huyện Kon Plông sẽ tăng lên. Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục giảm nghèo nhanh, hướng đến giảm nghèo bền vững, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền bà con nhân dân thụ hưởng chương trình mạnh dạn đăng ký các mô hình, các dự án để phát triển sản xuất phù hợp với địa phương; đồng thời lồng ghép các dự án để tổng mức đầu tư dự án đạt hiệu quả cao với quy mô lớn.
 Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công