Kon Tum phấn đấu 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và nuôi dưỡng
(LĐXH)- Tỉnh Kon Tum đã đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 3% vào năm 2025 và 2,5% vào năm 2030; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.
Ngày 18/6/2021, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 2026/KH-UBND triển khai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó mục tiêu tiêu của Chương trình là đảm đảm các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho kinh tế - xã hội tại địa phương; tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em, nhất là đối với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong đó, mục tiêu về bảo vệ trẻ em, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 3% vào năm 2025 và 2,5% vào năm 2030; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống dưới 0,036% vào năm 2025 và xuống dưới 0,033% vào năm 2030. Phấn đấu duy trì không có lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Đối với mục tiêu về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em, Kon Tum phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 99,1% vào năm 2025 và 99,3% vào năm 2030. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 92,0% vào năm 2025 và 95,0% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,3% vào năm 2025 và đạt 99,5% vào năm 2030; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học dưới 0,20% vào năm 2025 và dưới 0,18% vào năm 2030.
Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 88% vào năm 2025 và đạt 93% vào năm 2030. Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở dưới 0,50% vào năm 2025 và dưới 0,42% vào năm 2030; 95% trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em vào năm 2025. Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh, sinh viên khuyết tật đạt 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030. Phấn đấu tỷ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em đạt 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030.
Mục tiêu 4 về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu 30% trẻ em từ 07 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030…
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của địa phương trong việc bảo đảm việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của tỉnh và xác định cụ thể cơ chế, nguồn lực thực hiện. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em thuộc lĩnh vực, phạm vi đơn vị, địa phương quản lý.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và nhân rộng hệ thống mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp, chuyển tuyến liên ngành, liên cấp theo hình thức dịch vụ một cửa và các gói dịch vụ tiếp cận trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng; tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em. Vận động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em, các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em để giải quyết các vấn đề về trẻ em…
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm cơ quan đầu mối, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Định kỳ sơ kết, đánh giá và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Trung ương.
Chí Tâm
TAG: