Kon Tum: Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực, huy động nhiều nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ rà phá bom, mìn sau chiến tranh, làm sạch đất đai để mặt đất trở lại hiền hòa, nhân dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.
Kết thúc chiến tranh, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Báo cáo hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam (giai đoạn I) cho thấy, 63/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai bị ô nhiễm là hơn 6,1 triệu héc ta, chiếm 18,71% diện tích cả nước.
Với Kon Tum, chiến tranh đã đi qua 48 năm, kể từ ngày 16/3/1975, nhưng mối đe dọa của bom đạn, vật nổ chưa bao giờ chấm dứt. Số bom, mìn, vật nổ chưa nổ luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội, con người và môi trường.
Bộ CHQS tỉnh Kon Tum từng phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành khảo sát, hoàn thành bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, tổng diện tích bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hơn 467.848ha, trải rộng trên 9 huyện và thành phố Kon Tum. Điều đó có nghĩa là 100% xã, phường, thị trấn được xác định là bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ; diện tích ô nhiễm bom, mìn, vật nổ chiếm 48,68 % diện tích tự nhiên của tỉnh.
Theo thông tin được công bố tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục phòng tránh nguy cơ bom, mìn, vật nổ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức tháng 12/2022, Kon Tum là một trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ.
Để ổn định sản xuất và định canh, định cư cho nhân dân địa phương, ngay từ những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, các lực lượng vũ trang tỉnh đã nỗ lực dò tìm và tháo gỡ nhiều loại bom, mìn, vật liệu nổ phục vụ giải phóng mặt bằng cho xây dựng khu dân cư, sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Công tác dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ càng được quan tâm hơn khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 về việc phê duyệt chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.
Người dân huyện Đăk Tô (Kon Tum) lao động sản xuất trên những cánh đồng đã được làm sạch bom, mìn
Trong giai đoạn 2012 - 2015, các lực lượng chức năng đã thực hiện “làm sạch” 405ha trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô. Giai đoạn 2016-2020 có 1.269ha đất trên địa bàn các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai và huyện Kon Plông được rà phá, làm sạch bom mìn.
Cũng từ năm 2012 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã thu gom, xử lý hơn 1.100 quả bom, mìn, vật nổ các loại với tổng khối lượng ước tính gần 17.000kg. Diện tích, phạm vi khu vực đã giải phóng ô nhiễm bom, mìn được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, tỉnh Kon Tum đã rà soát, điều chỉnh bổ sung các dự án rà phá, khắc phục hậu quả bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình thuộc nhiệm vụ của địa phương theo quy định.
Đã có khoảng 1.674ha đất trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai và Kon Plông được trả lại sự hiền lành vốn có. Hơn 1.100 quả bom, mìn, vật nổ các loại với tổng khối lượng ước tính gần 17.000kg được thu gom, xử lý thành công.
Hiện nay tỉnh Kon Tum đang tiếp tục thực hiện Dự án giải phóng ô nhiễm bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021 – 2025 với khoảng 2.300ha trên địa bàn các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.
Các diện tích đất được làm sạch đã được người dân khai thác có hiệu quả, đem lại nguồn lợi kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thông qua Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia để hỗ trợ cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng của bom, mìn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn, để có bước tiến nhanh hơn, mạnh hơn trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, các cấp, các ngành cần xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân; làm sạch môi trường; tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom, mìn phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đặc biệt, cần gắn nhiệm vụ nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom, mìn làm sạch đất đai với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Đồng thời, triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân; thực thi tốt chính sách hỗ trợ nạn nhân bom mìn và gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống./.
Quang Tuấn
TAG: