An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kiên Giang: Quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
07:30 PM 18/04/2024
(LĐXH) - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo của tỉnh Kiên Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,28% (giảm 0,62% so với cuối năm 2022).
Từ nguồn vốn Chương trình, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ mô hình phát triển sinh kế 
Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Kiên Giang đã ban hành các văn bản thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản chính sách về công tác giảm nghèo bền vững góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong công tác giảm nghèo.
Thực hiện chính sách giảm nghèo chung, trong năm 2023, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ vay vốn cho 1.329 lượt hộ nghèo, với doanh số cho vay 51.020 triệu đồng; 1.932 lượt hộ cận nghèo với doanh số cho vay 80.591triệu đồng và 6.784 lượt hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay 237.971 triệu đồng. Hỗ trợ miễn, giảm chi phí học tập cho 11.004 lượt em với kinh phí trên 9.486 triệu đồng. Cấp thẻ BHYT cho 382.478 đối tượng, với kinh phí trên 236.724 triệu đồng. Giải quyết việc làm cho 36.850 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh 19.803 lượt người, ngoài tỉnh 17.047 lượt người. Ngoài ra, còn hỗ trợ tiền điện cho 9.048 hộ; trợ giúp pháp lý miễn phí cho trên 3.600 lượt người nghèo có nhu cầu thuộc các lĩnh vực.
Thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đầu tư 31 công trình cơ sở hạ tầng mới và công trình duy tu bảo dưỡng có sự tham gia của người dân trong các cuộc họp, tham gia vận hành (bao gồm 1.458 hộ nghèo, 1.517 hộ cận nghèo, 4.276 hộ dân tộc thiểu số hưởng lợi). Đối với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đã thực hiện 89 dự án (mô hình thuộc loại hình nông nghiệp quy mô nhỏ như chăn nuôi, trồng rau màu, hỗ trợ xuồng composite và mô hình buôn bán nhỏ), với sự tham gia của 360 hộ nghèo, 600 hộ cận nghèo, 268 hộ mới thoát nghèo, 176 hộ dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bước đầu đã cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Cơ sở hạ tầng thông tin tuyên truyền được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo như cấp BHYT, hỗ trợ vốn vay, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm... đã giúp nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng tiếp cận đa chiều.
Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác giảm nghèo của Kiên Giang còn một số khó khăn như: Một số xã, phường, thị trấn do mới tiếp cận lần đầu thực hiện Chương trình nên còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, nhất là bước lập thủ tục của mô hình, dự án, trình thẩm định, phê duyệt. Một số người dân là đối tượng thụ hưởng của Chương trình gặp khó khăn trong việc tham gia thực hiện các mô hình, dự án. Mặt khác, đối tượng thụ hưởng lại thuộc già cả, neo đơn, không đất sản xuất, không còn sức lao động, không có điều kiện tham gia và thậm chí có một bộ phận người dân không muốn tham gia thực hiện mô hình, dự án. Khối lượng công việc của các xã quá nhiều nhưng cán bộ tham mưu giúp việc lĩnh vực này chỉ có một người và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên dẫn đến không đảm bảo về thời gian, kết quả thực hiện. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thực hiện Chương trình của một số huyện, thành phố chưa được thường xuyên, liên tục.
Trong năm 2024, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 0,2%/năm trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn phân bổ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như chính sách phát triển sản xuất; chính sách tín dụng ưu đãi; chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế; việc làm; giáo dục và đào tạo; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Tỉnh đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự tham gia của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả của Chương trình MTQG giảm nghèo; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành và người dân nhằm thay đổi nhận thức trong giảm nghèo; Tiếp tục phối hợp các huyện, thành phố hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc Chương trình; Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.
Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Thái Nguyên không ngừng nâng cao hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xóa nhà tạm, nhà dột nát phải phân công rõ người, rõ việc
Câu lạc bộ Nhà báo Xứ Nghệ tại TPHCM: Trao tặng 400 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó