Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Khởi động Tháng Hành động Vì trẻ em: hướng tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch
11:11 AM 01/06/2021
Khởi động Tháng Hành động 2021, ngày 31/5, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) tổ chức toạ đàm trực tuyến “Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid – 19” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children). Cuộc tọa đàm được phát trực tuyến trên Fanpage MSD Vietnam, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em và Lan toả yêu thương.

Tháng Hành động Vì trẻ em tổ chức vào tháng 6 hàng năm được quy định tại Điều 11 Luật Trẻ em nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Năm 2021, trong bối cảnh cả nước đồng lòng, chung tay chống dịch, Tháng Hành động Vì trẻ em được phát động với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh.” Tháng hành động tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch; hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID – 19.

Các diễn giả tham gia tọa đàm

Khởi động Tháng Hành động 2021, ngày 31/5, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) tổ chức toạ đàm trực tuyến “Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid – 19” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children). Cuộc tọa đàm được phát trực tuyến trên Fanpage MSD Vietnam, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em và Lan toả yêu thương.

Chia sẻ về các thông điệp của Tháng Hành động, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh: “Năm 2021, với bối cảnh đại dịch, chúng ta càng cần đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. Năm nay, chủ đề chính xoay quanh các vấn đề về bảo vệ trẻ em trong khu cách ly, hướng dẫn cha mẹ đồng hành cùng con cái trong mùa dịch, sử dụng internet an toàn, phòng chống tai nạn thương tích - đuối nước trẻ em và các vấn đề chăm sóc sức khoẻ thể chất tinh thần, phát huy quyền tham gia của trẻ em trong gia đình”.

Trên thực tế, từ cuối tháng 4 vừa qua, làn sóng COVID-19 đã quay trở lại với diễn biến phức tạp, trẻ em được yêu cầu ở trong nhà để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, cũng trong lúc này, nhiều trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ dương tính với COVID-19, hoặc trở thành F1, F2, phải sống trong các khu cách ly hoặc các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội. Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt trong đại dịch COVID -19, tất cả chúng ta đều chung tay phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng không quên có các hành động vì sự phát triển và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc bảo vệ các con là cần thiết, quan trọng không kém là đồng hành cùng con trong các hoạt động hàng ngày, giữ tinh thần tích cực, lắng nghe và khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến của con, hướng dẫn con có cả sức đề kháng về thể chất và tinh thần qua đại dịch. Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi về những thực trạng, trải nghiệm của trẻ em sống trong khu cách ly, giãn cách và những tác động tới thể chất và tinh thần của trẻ em, đồng thời mang tới những lời khuyên hữu ích để chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong thời gian dịch bệnh.

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, người đã chủ động tình nguyện cách ly cùng học sinh trường Tiểu học Xuân Phương để chăm lo cuộc sống cho toàn bộ học sinh, phụ huynh, nhân viên nhà trường vào những ngày giáp Tết vừa qua, chia sẻ: Những ngày đầu cách ly, việc thu xếp cho các con ăn nghỉ và làm các thủ tục xét nghiệm làm tôi và tất cả đồng nghiệp cũng như các bậc phụ huynh học sinh ăn không ngon, ngủ không yên, nên thực sự không ai để ý nhiều đến tâm lý các em. Học sinh phần lớn là buồn, có con nhớ nhà, nhớ bố mẹ đã bật khóc, các cô và các phụ huynh khác phải dỗ dành. Thương các con tôi luôn phải cố kìm nén cảm xúc của mình lại. Bây giờ nhớ lại những việc mà thầy và trò trường Tiểu học Xuân Phương đã trải qua, không thấm gì so với các trẻ em vùng dịch, vùng biên giới xa xôi đang phải cách ly vì dịch bệnh. Tôi thật đau lòng khi nghĩ đến dịch bệnh. Mong rằng chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch Covid, trẻ em được đến trường, phụ huynh được yên tâm công tác. Việc học của các con còn lâu dài. Trong thời gian này, an toàn của các con là trên hết. Các phụ huynh không nên quá lo lắng về việc con chưa kịp thi hết năm học thì đã nghỉ hè. Khi nào dịch được kiểm soát, các con quay lại trường thì các thầy cô sẽ hướng dẫn các con ôn tập kiến thức”.

Một vấn đề rất được lưu tâm, theo các diễn giả, việc cách ly không chỉ là thử thách với trẻ em mà còn là thử thách với người lớn. Nếu người lớn cảm thấy khó khăn bao nhiêu, trẻ em còn khó khăn hơn rất nhiều. Chính người lớn phải có tinh thần lạc quan thì mới có thể có tác động tích cực lên các con. NSƯT Xuân Bắc cùng với những câu chuyện, kinh nghiệm thú vị khi đồng hành cùng các con, anh còn chia sẻ rằng bằng việc chơi với con toàn tâm toàn ý, bố mẹ sẽ thấy được sự phát triển của con và con cũng cảm thấy không nhàm chán. Tôi không phản đối việc cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại, Internet vì trong thời đại công nghệ, đó cũng là một cách học, cách chơi, giải trí, nhưng bố mẹ không nên cho con dùng điện thoại như là cách để trông con, để con không làm phiền đến mình. Đối với trẻ em, những điều mới mẻ đều đáng để khám phá và các bậc phụ huynh cần hướng con tới những điều mới mẻ, bổ ích”, theo NSƯT Xuân Bắc.

Không để trẻ  em nào cần hỗ trợ mà không được hỗ trợ trong thời kỳ này - đây là mục tiêu hướng tới trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giữa đại dịch

Từ góc độ của chuyên gia tâm lý đã có nhiều năm làm công việc tham vấn, tư vấn tâm lý trẻ em, Chuyên gia Nguyễn Hà Thành đưa ra một số lời khuyên để chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho trẻ em: “Khi ở trong nhà quá lâu, trẻ em cũng có thể gặp phải những căng thẳng kéo dài dẫn đến vấn đề tâm lý. Chúng ta dù có nỗ lực đến bao nhiêu, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Bố mẹ cũng có thể trò chuyện, chia sẻ với các con về những cảm xúc của mình một cách khéo léo, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ, để trẻ học cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ, gia đình. Tôi cũng đồng ý với việc bố mẹ cần dành thời gian chơi với con toàn tâm toàn ý, 5-10 phút mỗi ngày cũng là tuyệt vời. Về khía cạnh truyền thông, tôi thấy còn khá ít chương trình truyền thông về đại dịch cho trẻ em. Hiện nay, trẻ em đang nghỉ học rất nhiều, vì vậy, nên có những chương trình truyền thông thân thiện, gần gũi hơn với trẻ em để các em nhận thức được các em cần làm gì, các em hiểu được trách nhiệm của các em. Điều này sẽ giảm thiểu những căng thẳng tâm lý, những điều bất ngờ ập đến với các em.”

Bà Nguyễn Phương Linh gửi gắm thông điệp: “Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt trong đại dịch COVID -19, tất cả chúng ta đều chung tay phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng không quên có các hành động vì sự phát triển và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc bảo vệ các con là cần thiết, quan trọng không kém là đồng hành cùng con trong các hoạt động hàng ngày, giữ tinh thần tích cực, lắng nghe và khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến của con, hướng dẫn con có cả sức đề kháng về thể chất và tinh thần qua đại dịch. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua các kênh trực tuyến sáng tạo của chiến dịch như Livestream với các chuyên gia, các hướng dẫn phòng dịch, các thử thách của cha mẹ và người chăm sóc trẻ sẽ góp phần hỗ trợ cha mẹ đồng hành cùng trẻ em vượt qua đại dịch. Thời gian giãn cách khó khăn nhưng cũng là cơ hội để kết nối tình cảm gia đình”.

Về phía các cơ quan nhà nước, Bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh Cục Trẻ em cũng như các bên liên quan đang tiếp tục nỗ lực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các khu vực cách ly và địa bàn giãn cách xã hội. Tinh thần chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác trẻ em hướng tới là “Không để trẻ em nào cần hỗ trợ mà không được hỗ trợ trong thời kỳ này”. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Đối với trẻ em là F0, F1, các đơn vị chức năng sẽ có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ kinh phí cho trẻ em trong các khu cách ly tập trung. Trong tháng Hành động vì trẻ em, Cục Trẻ em cũng sản xuất những chương trình để cung cấp những chính sách, chương trình hỗ trợ trẻ em. Ngoài ra, các gia đình cũng có thể gọi đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ em trong giai đoạn này.”

Đăng Doanh

 

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương