Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) điều phối triển khai từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020 với sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh/thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ. Tháng 6/2020, báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam đã được công bố. Và tiếp nối thành công này, MSD phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện chuỗi Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam, dự kiến từ tháng 3 – tháng 5/2021 tại 7 tỉnh, thành phố có trẻ em đã thực hiện khảo sát. Chuỗi sự kiện nhằm mục tiêu chia sẻ, công bố các kết quả của Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các em và các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến chính các em.
Ngày 22/3/2021, hội thảo được thực hiện tại trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) chính là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động này. Đến dự có đại diện Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội; lãnh đạo Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Ban giám hiệu Trường THCS Nam Từ Liêm cùng đại diện Hội Phụ huynh học sinh…
Với kết quả thu được sau khi thực hiện khảo sát gần 1.700 trẻ em, nhóm nghiên cứu thuộc Viện MSD và Tổ chức Save the Children đã đưa ra 15 phát hiện nổi bật và các vấn đề mà trẻ em quan tâm. Các kết quả thu thập được là những “dữ liệu” quan trọng xoay quanh những chia sẻ, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi quyền trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ. Các kết quả thu nhận được từ báo cáo cũng sẽ được các đơn vị liên quan báo cáo đầy đủ, nghiêm túc như một hình thức phản hồi cho tất cả các trẻ em.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga, những kết quả của khảo sát này cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi quyền Trẻ em ở Việt Nam để đóng góp cho việc xây dựng các chương trình hành động vì trẻ em. Sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động trên tinh thần lấy trẻ em làm trung tâm, lắng nghe trẻ em và hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ cần là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của của tất cả các bên liên quan trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em.
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện các em học sinh đã có buổi thảo luận trực tiếp cùng các cô chú đại biểu về các vấn đề liên quan đến các em, tập trung vào phần kỹ năng và cách thức giải quyết các mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, bạn bè trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, khi chú Hoàng Minh Tiến, Cục An toàn thông tin dẫn dắt các vấn đề về an toàn cho trẻ em trên không gian mạng và khẳng định “sử dụng internet là không an toàn và an toàn hay không an toàn là do các bạn”, các trao đổi, thảo luận đã được diễn ra hết sức sôi nổi.
Các chia sẻ của đại diện trẻ em cũng cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong thời đại này đang ngày càng phức tạp và dường như ít có tiếng nói chung. Hoặc cha mẹ ít có điều kiện quan tâm, sao nhãng việc chăm sóc con cái, hoặc cha mẹ bao bọc con cái quá nhiều dẫn đến sự thụ động và kiềm kẹp mong muốn, ước mơ của con. Và một thực tế dễ nhận thấy, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng sự tham gia của trẻ em thông qua bày tỏ tiếng – nói của bản thân các em chưa thực sự được xem trọng ở mọi môi trường, mà trước hết là môi trường gia đình. Mô hình quyền tham gia của trẻ em trong gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ được thực hiện trong thời gian tới đây kỳ vọng sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách học làm cha mẹ, học đồng hành cùng con cái.
Đăng Doanh