Khởi động chung kết Hoa hậu Hòa bình thế giới 2017 tại Việt Nam
(LĐXH) Chiều 17/4, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp báo chính thức khởi động vòng Chung kết Cuộc thi Miss Grand International 2017 (Hoa hậu Hoà bình Thế giới 2017).
Cuộc thi được đăng cai bởi Công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Lasta (Lasta Multimedia) do Bộ VHTT-DL cấp phép ngày 14/4/2016. Miss Grand International (Hoa hậu Hòa Bình Thế giới) ra đời từ năm 2013, tại Thái Lan, được xem là một trong 5 cuộc thi sắc đẹp uy tín và danh giá nhất hiện nay.
Cuộc họp báo có sự hiện diện của Top 5 Hoa hậu Hoà bình Thế giới 2016: Hoa hậu Ariska Putri Pertiwi (Indonesia), Á hậu 1 - Nicole Cordoves (Philippines), Á hậu 2 - Susaporn Malisorn (Thái Lan), Á hậu 3 - Madison Anderson (Puerto Rico), Á hậu 4 - Michelle Leosn (Mỹ) và đại diện thí sinh chủ nhà là Á hậu Huyền My.
Miss Grand International 2017 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 5/10 đến 26/10 tại Quảng Bình và Phú Quốc. Trong đó, tỉnh Quảng Bình sẽ là địa điểm được lựa chọn tổ chức phần thi Trang phục các dân tộc; Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tổ chức trang phục áo tắm, vòng Sơ khảo và Chung kết (dự kiến đêm Chung kết sẽ diễn ra vào tối 26/10). Một số hoạt động xung quanh cuộc thi sẽ được tổ chức tại TPHCM.
Xuyên suốt cuộc thi là những phần trình diễn tài năng, quốc phục, trang phục dạ hội và bikini của các thí sinh. Ngoài việc tìm kiếm đại diện nhan sắc hoàn thiện về hình thể, trí tuệ, tâm hồn, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới còn chú trọng đề cao các hoạt động nhân ái và phần thi thuyết trình, nơi mà mỗi mỹ nhân đến từ các quốc gia tham dự có thể từng bước thể hiện vai trò của người phát ngôn vì hòa bình.
Ông Nawat Itsaragrisil chia sẻ, kể từ tháng 10 năm ngoái, khi công bố cuộc thi này sẽ được tổ chức ở Việt Nam thì sự quan tâm đến Việt Nam của bạn bè quốc tế đã tăng lên rất nhiều. Hình ảnh của Việt Nam với những “tuyệt vời” về văn hoá, phong cảnh, ẩm thực… được quảng bá rộng rãi hơn.
Trước đó, Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017 đã gây nhiều tranh cãi khi BTC cuộc thi này đưa ra ý tưởng sẽ trình diễn trang phục truyền thống trong Động Thiên đường, thuộc quần thể di sản thiên nhiên thế giới Sơn Đoòng, Quảng Bình.
và ông Nawat Itsaragrisil chụp ảnh lưu niệm trong họp báo.
Ý tưởng này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của các chuyên gia di sản, văn hóa, lịch sử, địa chất ... Sau khi nghiên cứu và xem xét, sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã không lựa chọn phương án thi hoa hậu trong động Thiên Đường.
Hiện nay, fanpage của cuộc thi này đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng người thích, với hơn 1 triệu người hoạt động hàng tháng trên fanpage.
BTC cho biết, đây một chương trình mang tầm vóc quốc tế, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới sẽ góp phần tích cực quảng bá hình ảnh, vị thế ngày càng đi lên của Việt Nam – một đất nước Đông Nam Á xinh đẹp, hòa bình và thân thiện ra toàn thế giới.
Thông qua cuộc thi, đơn vị tổ chức hy vọng Việt Nam sẽ ngày càng trở thành điểm đến được đông đảo bạn bè thế giới lựa chọn, góp phần thúc đẩy du lịch cũng như phát triển hội nhập.
Đặc biệt, cuộc thi cũng mong muốn chủ nhân chiếc vương miện cao quý có tiếng nói tích cực, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, thông qua đó thu hút dư luận, nâng cao nhận thức và kêu gọi thế giới chung tay chấm dứt chiến tranh và bạo lực.
Trả lời tại cuộc họp báo, đại diện BTC tại Việt Nam cho biết, chi phí tổ chức cho vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới không dưới 50 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho 90 hoa hậu từ 90 quốc gia đến Việt Nam để tham gia một sự kiện kéo dài từ ngày 5 - 26/10/2017 là điều không hề đơn giản.
Hoa hậu sau khi đăng quang sẽ không được giữ vương miện vĩnh viễn mà chỉ được đội đúng 1 năm. Sau một năm, vương miện sẽ được cho vào bảo tàng để minh chứng cho giá trị của nó.
Chia sẻ thêm về tiêu chí nhân trắc học của cuộc thi, ông Nawat Itsaragrisil khẳng định, cuộc thi không chấp nhận thí sinh phẫu thuật chuyển giới nhưng cho phép các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia.
Đại diện của Việt Nam tại chung kết Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới là Á hậu Huyền My./.
Thảo Lan
TAG: