An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khánh Hòa: Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
02:46 PM 22/08/2024
(LĐXH) - Trong các năm qua, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đã tạo được sự đồng thuận và lan tỏa rộng khắp trong nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, đã huy động được nguồn lực to lớn từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ, đóng góp cho việc triển khai thực hiện các chính sách về giảm nghèo và an sinh xã hội.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách riêng để hỗ trợ hộ nghèo
Từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương đối ứng và huy động các nguồn lực khác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; đồng thời sẽ đảm bảo thực hiện đạt được mục tiêu hàng năm giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt từ 1-1,5%, đến cuối năm 2025 huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh  Khánh Hòa giảm còn 10.826 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,20%, giảm 2.051 hộ so với đầu năm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,66%, đạt 188% và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 7.298 hộ, chiếm tỷ lệ 2,11%, giảm 3.528 hộ nghèo so với nam 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,09%, đạt 195% so với kế hoạch giao. Trong đó, huyện Khánh Sơn giảm 633 hộ nghèo, số hộ nghèo cuối năm còn 2.429 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31,63%, mức giảm đạt 8,97%; huyện Khánh Vĩnh giảm 1.426 hộ nghèo, số hộ nghèo cuối năm còn 2.785 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,51%, mức giảm đạt 13,65%. Trong 06 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giảm 438 hộ nghèo, đạt 28%, giảm 248 hộ cận nghèo, đạt 15% so với chỉ tiêu giao.
Có được kết quả trên, bên cạnh việc triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, chính sách của Trung ương về công tác giảm nghèo, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo riêng như: Chính sách về bảo hiểm y tế: Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022-2025, cụ thể hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh (ngân sách trung ương hỗ trợ 35%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 65%). Chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Song để hỗ trợ một phần các nhu cầu thiết yếu tối thiểu trong cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội, ngày 30/3/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh từ 360.000 đồng (hệ số 1,0) tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ lên 400.000 đồng, áp dụng từ tháng 4/2023.
Đặc biệt, trong 03 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết “Quy định đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Việc tham mưu Nghị quyết góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của các đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng ngày được nâng lên, đảm bảo công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn chủ trương hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, góp phần giảm tiêu chí thiếu hụt về nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh đối với hộ nghèo trên địa bàn 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, cụ thể: Huyện Khánh Sơn có 17 hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công đang thiếu hụt tiêu chí nhà ở (02 hộ xây mới nhà ở và công trình phụ, 15 hộ sửa chữa nhà ở và công trình phụ); huyện Khánh Vĩnh có 05 hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công đang thiếu hụt tiêu chí nhà ở (01 hộ xây mới nhà ở và công trình phụ; 04 hộ sửa chữa nhà ở và công trình phụ). Đến nay, việc xây mới, sửa chữa nhà ở và công trình phụ đối với 22 hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 
Trong giai đoạn 2022 - 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách thiết thực đến người dân. Các cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình đã có sự phối hợp chặt chẽ, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được triển khai và thực hiện ngay khi có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ được giao. Các chính sách giảm nghèo được triển khai đến các đối tượng, giúp người nghèo, cận nghèo ngày càng được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản từ những chính sách hỗ trợ người nghèo và các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn./.
Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương