An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khánh Hòa: Tập trung hỗ trợ giảm nghèo cho 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh
12:15 PM 16/09/2024
Tỉnh Khánh Hòa đang vận dụng linh hoạt các cơ chế đặc thù và tiềm lực nội tại với quyết tâm đến cuối năm 2024 đưa hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 
Năm 2024, mục tiêu của tỉnh Khánh Hòa tập trung giảm nghèo, 02 huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh phấn đấu đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương triển khai lồng ghép các chương trình, đề án, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu trên. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.
Đến cuối năm 2025, phấn đấu tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Đầu giai đoạn, toàn tỉnh có 12.874 hộ nghèo, đến cuối năm 2023 giảm còn 7.298 hộ nghèo, dự kiến năm 2024 giảm 1.590 hộ. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2024, dự kiến giảm 7.166 hộ nghèo. Kết quả trên đã cho thấy Tỉnh ủy, UBND các cấp đã nỗ lực chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách thiết thực để triển khai công tác giảm nghèo, giúp người nghèo an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 3.546 hộ (1.576 hộ nghèo và 1.970 hộ cận nghèo) không có khả năng lao động (đa số là các hộ già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo, neo đơn...) thì việc triển khai giúp người dân thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đang là trăn trở của chính quyền địa phương.
Ngày 05/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn giai đoạn 2022-2025 và Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện 02 Đề án của 02 huyện là 2.973 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn ngân sách trung ương 1.030 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 1.179 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác 763 tỷ đồng.
Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định phê duyệt Đề án, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có Công văn về việc đề nghị UBND huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh triển khai thực hiện Đề án. Các sở, ngành, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời. Nguồn vốn bố trí và dự kiến bố trí để triển khai thực hiện các Dự án và tiểu Dự án của Đề án được đảm bảo; trong đó có lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thực hiện đồng bộ.
Đối với các Dự án 2: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo Đề án, do mới ban hành Nghị quyết Quy định định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, kế hoạch, phương án, nhiệm vụ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nên hiện nay các địa phương đang thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG (nguồn kinh phí được chuyển nguồn từ năm 2022 đến năm 2024) để triển khai thực hiện.

Thực hiện Dự án 1. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo, kinh phí được giao để thực hiện các dự án là 503 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện 31 công trình đầu tư, ưu tiên đầu tư thuộc lĩnh vực: Giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... và 37,2 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện duy tu, bảo dưỡng 27 công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Kết quả đã giải ngân vốn đầu tư phát triển 289,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,07%, vốn sự nghiệp 15,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,58%.

Tại huyện Khánh Sơn, thực hiện các chương trình giảm nghèo, huyện huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình công cộng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội với tổng kinh phí hơn 134 tỷ đồng; tạo điều kiện cho hơn 1.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách, giúp đỡ các hộ dân, UBND huyện còn thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu cấp huyện, 14 ban chỉ đạo cấp xã và 39 ban phát triển thôn, tổ dân phố để triển khai, giám sát chặt chẽ các hoạt động.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình, chính sách để hoàn thành mục tiêu, trong đó có Nghị quyết 17/2022/NQ-HĐND (Nghị quyết 17) của HĐND tỉnh về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố sử dụng ngân sách và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh. Vận dụng cơ chế chính sách đặc thù trong Nghị quyết 17, tỉnh đã sử dụng 158 tỷ ngân sách các địa phương khác cho hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh xây dựng hạ tầng. Việc xóa nhà tạm đã có ngân sách của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững và chính sách cơ chế đặc thù. UBND tỉnh xác định, đến cuối năm 2024 hoàn thành xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo của hai huyện. Cụ thể, tỉnh xây mới khoảng 1.300 căn nhà và sửa chữa 1.500 căn với tổng kinh phí 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, khó khăn đầu tiên trong thực hiện giảm nghèo là tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn còn thấp. Tính đến cuối tháng 7/2024, nguồn vốn đầu tư giải ngân khoảng 55%, nguồn vốn sự nghiệp theo kế hoạch vốn của năm 2024 giải ngân khoảng 35%. Riêng đối với nguồn vốn theo Nghị quyết 17, huyện Khánh Sơn giải ngân được 39%, huyện Khánh Vĩnh là 28% tổng nguồn vốn đã phân bổ.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Nghị quyết số 55/2022/QH15 với nhiều chính sách đặc thù đã hỗ trợ cho tỉnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn rất nhiều khó khăn như nguồn vốn chuyển chưa kịp thời về các địa phương, lúng túng trong việc giải ngân ở các trường hợp mới… UBND tỉnh đề nghị hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tập trung mọi nguồn lực khẩn trương xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; khắc phục khó khăn, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ xây mới nhà ở. Hai địa phương chỉ đạo UBND cấp xã hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ người dân; đảm bảo đến cuối năm 2024 phải hoàn thành việc xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo…

Đối với việc giải ngân nguồn vốn đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn theo Nghị quyết 17, các địa phương chủ động rà soát khó khăn, vướng mắc liên quan để giải quyết, báo cáo UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn trong thẩm quyền để có lộ trình cụ thể giải ngân vốn đầu tư của từng công trình, dự án; đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương giải ngân nguồn vốn…

Tỉnh Khánh Hòa vẫn đang nỗ lực bứt tốc, gỡ khó trong triển khai các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ người dân hai vùng miền núi với kỳ vọng, cuối năm 2024, hai huyện đều thoát khỏi danh sách  huyện nghèo./.

Thu Hương

 
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái