An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khai giảng Lớp đào tạo Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ và chăm sóc sức khỏe tâm thần
02:30 PM 10/10/2022
(LĐXH)- Sáng ngày 10/10/2022, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) đã phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội tổ chức Khai giảng Lớp đào tạo Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ và chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Lễ khai giảng
Tới dự Lễ khai giảng, có TS. Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Hà Nội; TS. Lục Mạnh Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội, cùng đại diện giảng viên Khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Lao động – Xã hội), Đại học Sư phạm Hà Nội và các học viên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các Bệnh viện, ngành Lao động – TBXH và các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế…
Các đại biểu tham dự Lễ khai giảng
Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Lớp đào tạo
Thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 21/01/2021 của Chính phủ phê duyện Chương trình Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030 và thực hiện Chương trình công tác năm 2022, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội tổ chức Khai giảng Lớp đào tạo Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Mục tiêu của Lớp đào tạo là nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc, trị liệu, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ và đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc, trị liệu và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Lớp học được chia làm 3 đợt với thời gian 48 ngày. Sau mỗi đợt, học viên sẽ được đi thực tế tại một số đơn vị thuộc ngành Lao động – TBXH.
Thông qua lớp học, các học viên được trang bị kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ
Phát biểu tại Lớp đào tạo, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Văn Hồi khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần. Bộ Lao động – TBXH đã trình Trung ương Nghị quyết 15 về chính sách xã hội, trong đó có nhiều mục tiêu liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Ngành Y tế đã ban hành Chiến lược, Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe tâm thần đến năm 2030, Luật Khám chữa bệnh, có nhiều giải pháp quan tâm giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần. Đối với ngành Lao động – TBXH đã tham mưu ban hành Luật Người khuyết tật, có Thông tư 01 về xác định mức độ khuyết tật, trong đó sức khỏe tâm thần cũng là một dạng khuyết tật; Nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội, Nghị định về thành lập, hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập và hình thành các trung tâm công tác xã hội để cùng với ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các học viên
Bên cạnh đó, ngành Lao động - TBXH còn thực hiện giải quyết trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời cho những đối tượng người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, người có vấn đề sức khỏe tâm thần. Hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội đã thực hiện tốt việc tiếp nhận các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người có vấn đề sức khỏe tâm thần nặng, phân liệt vào chăm sóc, nuôi dưỡng; Hình thành những mô hình tiêu biểu liên quan đến chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần. Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ tự kỷ, có Trung tâm Phục hồi chức năng Thụy An (Ba Vì) đã cung cấp nhiều hoạt động về y tế, giáo dục, công tác xã hội, phục hồi chức năng hiệu quả cho trẻ khuyết tật, tự kỷ. Hiện cả nước có trên 10.000 người tâm thần nặng và 15.000 trẻ khuyết tật, tự kỷ đang được cung cấp các dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Điều này cũng góp phần quan trọng cùng ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, hiện nay vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng nghiêm trọng, với nhiều vụ việc đau lòng; công tác chăm sóc, điều trị cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần còn nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn cao, thiếu phương tiện, trang thiết bị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác phục hồi chức năng. Do vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cần hoàn thiện hệ thống chính sách, nghiên cứu sửa đổi những Luật liên quan; Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần; Xây dựng tiêu chuẩn phối kết hợp giữa điều trị về mặt y tế và điều trị về mặt xã hội đối với những người có vấn đề sức khỏe tâm thần; Điều chỉnh các chương trình đào tạo về công tác xã hội, sức khỏe tâm thần, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các cơ sở trợ giúp xã hội liên quan đến chăm sóc, phục hồi chức năng cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ tự kỷ…
Chia sẻ tại buổi lễ khai giảng Lớp đào tạo, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nhấn mạnh, Lớp đào tạo Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ và chăm sóc sức khỏe tâm thần có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí. Qua đó, tiếp tục đào tạo nên những thế hệ tiếp theo để có những người đồng nghiệp có sức lan tỏa làm tốt công tác xã hội, chăm sóc trẻ tự kỷ. TS. Trần Ngọc Diễn cũng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH đối với các cơ quan báo chí trong việc phối hợp, tạo điều kiện tuyên truyền những nhiệm vụ của ngành. Đồng thời, Tạp chí Lao động và Xã hội sẽ tích cực đồng hành, phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội để lan tỏa thông tin, những mô hình, hoạt động tốt, hữu ích trong công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ để cùng nhau gắn bó, làm tốt nhiệm vụ được giao./.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo