Mục tiêu của Khóa đào tạo là nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về CTXH trong chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỉ cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Khóa đào tạo sẽ được tổ chức trong 40 ngày tại 3 miền Bắc, Trung và Nam. Tham dự lớp học, các học viên sẽ được giảng viên giới thiệu các nội dung như: (1) Đại cương về Công tác xã hội với trẻ tự kỉ; (2) Tham vấn, hỗ trợ gia đình trẻ tự kỉ; (3) Quản lý ca với trẻ tự kỉ; (4) Tổng quan về trẻ tự kỉ ở Việt Nam và phương pháp giáo dục, can thiệp về hành vi, kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỉ; (5) Tâm lý học lâm sàng với trẻ tự kỉ; (6) Các phương pháp chẩn đoán, đánh giá trẻ tự kỉ; (7) Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ tự kỉ; (8) Chăm sóc, hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ; (9) Hướng dẫn thực hành và lập kế hoạch hỗ trợ trẻ tự kỉ tại các cơ sở.
Khai giảng Lớp đào tạo Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ Khóa 1
(LĐXH) - Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32), ngày 25/12, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Lao động Xã hội và một số trường đại học liên quan tổ chức Khóa đào tạo nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ năm 2017.
Tham dự có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Bùi Tôn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học LĐXH; GS.TS Đỗ Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là 2 đơn vị đại diện cho các trường đại học tham gia đào tạo, giảng dạy lớp CTXH với trẻ tự kỷ. Ngoài ra, tham dự còn có các lãnh đạo Khoa, bộ môn, các giảng viên đại diện tham gia giảng dạy về CTXH đối với trẻ tự kỷ, cùng các học viên đến từ các cơ sở chăm sóc, giáo dục, chỉnh hình và phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm công tác xã hội, Phòng Bảo trợ xã hội, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) hiện nay cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập, gồm 32 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 141 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 34 trung tâm công tác xã hội. Đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội hiện có khoảng trên 200 nghìn người làm công tác xã hội, trong đó có trên 17.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…, tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng.
Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý; phục hồi chức năng, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; chăm sóc, nuôi dưỡng cho hàng triệu lượt đối tượng đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 15% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các đối tượng chủ yếu tập trung trong các nhóm trẻ mồ côi/trẻ bị bỏ rơi (34%), người tàn tật ( 24%, bao gồm cả trẻ em tàn tật), người tâm thần (20%) và người già cô đơn không nơi nương tựa (15%). Trong các đối tượng đó, đối tượng trẻ tự kỉ chiếm tỉ lệ khá lớn nhưng nhiều khi chưa được gọi tên chính thức bởi theo Luật Người khuyết tật hiện hành, tự kỉ không phải là một dạng khuyết tật riêng biệt, mà sẽ được quy về một trong 6 dạng khuyết tật (Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ. Các tài liệu hướng dẫn cụ thể các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ còn rất hạn chế, đặc biệt chưa có tài liệu nào được biên soạn dành riêng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội, nhân viên công tác xã hội.
Thực tế này cho thấy, cần xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về công tác chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ tại chính cơ sở nơi các em sinh sống, làm giảm áp lực trực tiếp lên gia đình, người chăm sóc trẻ tự kỉ và cộng đồng xã hội.
Hồng Phượng
TAG: