Khai giảng Lớp “Đào tạo cán bộ chăm sóc sức khỏe tâm thần Khóa VIII của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội”
(LĐXH) - Tiếp nối kết quả đạt được từ những khóa đào tạo trước, sáng ngày 02/6/2020, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội tổ chức khai giảng Lớp “Đào tạo cán bộ quản lý chăm sóc sức khỏe tâm thần khóa VIII của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020”.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Lễ khai giảng
Tới dự Lễ khai giảng, có Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; PGS. TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội; Về phía Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Hà Nội có ông Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện, cùng một số giảng viên đến từ Trường Đại học Lao động - Xã hội, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương và hơn 50 học viên là cán bộ đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần của các đơn vị như: Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Cơ sở Cai nghiện, Bệnh viện Phục hồi chức năng... các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn...
Các đại biểu tham dự Lễ khai giảng
Phát biểu tại Lễ Khai giảng, Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn hiện nay. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 7,5 tỷ người, trong đó có hơn 773 triệu người có các rối loạn tâm thần khác nhau (251 triệu bệnh nhân trầm cảm, 18,2 triệu bệnh nhân tâm thần phân liệt, hơn 68 triệu người nghiện chất và hơn 102 triệu người nghiện rượu). Còn tại Việt Nam, số người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng khoảng 154.000 người, số người tâm thần có xu hướng gia tăng đặc biệt là tại các thành phố lớn. Dự báo đến năm 2030, so dự thay đổi lối sống, phát triển kinh tế, thiên tai và ô nhiễm môi trường nên số người bị rối nhiễu tâm trí, người bị tâm thần tiếp tục gia tăng. Việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần là một thách thức lớn và gánh nặng đối với cộng đồng xã hội.
Trước thực tế đó, ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người có rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Đề án 1215), với mục tiêu chung là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
PGS.TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội phát biểu
Một trong những nhiệm vụ của Đề án là phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng thông qua các hoạt động: Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; Tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Thực hiện nhiệm vụ này, hàng năm, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với các Trường đại học đào tạo về công tác xã hội xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Triển khai thực hiện kế hoạch Đề án năm 2020, Cục tổ chức 03 lớp đào tạo trên phạm vi cả nước cho các đối tượng là cán bộ quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đây là khóa đào tạo thứ 8 và cũng là khóa đào tạo cuối cùng thực hiện Đề án 1215 giai đoạn 2011-2020. Thông qua lớp đào tạo, các học viên trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chăm sóc và điều trị cho đối tượng tâm thần và rối nhiễu tâm trí. Đồng thời giúp nâng cao năng lực chuyên môn trong việc đáp ứng các nhu cầu trợ giúp cho người tâm thần, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí.
Các học viên được trang bị kiến thức chung về Đại cương chăm sóc sức khỏe tâm thần và Tâm lý học lâm sàng
Chương trình học tập trung vào phần lý thuyết về đại cương chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý học lâm sàng, sẽ do các giảng viên đến từ Trường Đại học Lao động - Xã hội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, Bệnh viện tâm thần Mai Hương giảng dạy.
Theo PGS.TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội: Đây là lớp học nằm trong chương trình đào tạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là sự cố gắng rất lớn của Cục Bảo trợ xã hội trong việc phát triển đội ngũ cán bộ của Ngành. Để lớp học thành công, mong rằng các học viên nghiêm túc thực hiện theo đúng nội quy, các thầy cô giáo có những bài giảng hay giúp học viên có kiến thức tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình./.
Hồng Phượng
TAG: