An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khắc phục hậu quả bom mìn: Nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc
07:58 AM 03/04/2022
(LĐXH)- Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, nhiều năm qua, Việt Nam xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn là nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân; làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngày 4/4 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (còn gọi là Ngày quốc tế nâng cao nhận thức về bom mìn), với nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức khắp nơi trên thế giới như một lời cam kết của Liên Hợp quốc trong các nỗ lực vì một thế giới không bom mìn và tàn dư của chất nổ sau chiến tranh. Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn...
Còn khoảng 800 nghìn tấn bom đạn tồn sót
Ước tính hiện nay, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tổ chức quốc tế về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (ngày 17/2/2022)

Hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000ha (trung bình đạt gần 50.000 ha/năm) với ngân sách dành cho công tác rà phá bom mìn là 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD). Tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng - Cơ quan thường trực đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, lập Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và tổ chức công bố số liệu vào tháng 4/2018, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ tư lệnh Thủ đô trục vớt thành công quả bom dài 1.6m dưới sông Hồng, gần cầu Long Biên, Hà Nội (ngày 22/6/2020)

Trong giai đoạn này, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Đó là xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đã tiến hành khảo sát, rà phá được gần 500.000ha đất; công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh. Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ các tổ chức quốc tế gần 100 triệu USD.
Trên 5.500 nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế
Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, đến nay, cả nước có khoảng 3,4 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng; 100% người khuyết tật nặng là nạn nhân bom mìn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, gia đình nạn nhân bom mìn thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng 1 định xuất nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngân sách Nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ mai táng phí cho đối tượng khoảng 23.675 tỷ đồng/năm.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng; đối với tuyến huyện hiện nay hầu hết đều có các tổ, khoa phục hồi chức năng lồng ghép với khoa Nội hoặc Y học cổ truyền, cung cấp được nhiều dịch vụ phục hồi chức năng, chủ yếu là vật lý trị liệu đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn.

Tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bom mìn

Hiện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có 5 Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ, và thành phố Hồ Chí Minh; 3 Trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn tại Thụy An - Ba Vì (Hà Nội), thành phố Hồ Chí Minh và Phú Thọ. Năm 2021, Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 6.447 người khuyết tật đặc biệt khó khăn, sàng lọc cho 8.000 trẻ dưới 6 tuổi và cho 25.000 người nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, 810.000 bà mẹ mang thai đạt 58% được khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc 494.000 trẻ sơ sinh đặt 40% trẻ sinh ra.
Bên cạnh đó, chung tay cùng Đảng, Nhà nước khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, nhiều năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã phối hợp với các địa phương tích cực triển khai một cách kịp thời và hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Trong đó, tập trung hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn 21 lượt tỉnh, thành phố trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn.
Đến nay, tổng số nạn nhân bom mìn đã được hỗ trợ sinh kế trên 5.500 người, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng, trong đó có hơn 300 gia đình nạn nhân được hỗ trợ 01 con bò sinh sản/gia đình (riêng nạn nhân bom mìn tại tỉnh Hà Giang được trao 93 con, Quảng Nam 80 con, hiện nay đàn bò tại các tỉnh đã phát triển thêm hàng chục bò con). Trên 5.500 nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể bằng nhiều hình thức tặng nhà tình nghĩa trị giá 35 triệu đồng/nhà; hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở với mức hỗ trợ từ 5 - 12 triệu đồng/hộ, tặng phương tiện nghe nhìn tivi, radio, hàng trăm chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hội chức năng cho các nạn nhân.
Ngoài ra, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam còn kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ đột xuất tới gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất, bị tử vong, bị thương tích nặng tại các tỉnh như: Quảng Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Sơn (Khánh Hoà), Yên Phong (Bắc Ninh)… Với số tiền hàng trăm triệu đồng được trao trực tiếp hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn xảy ra, kịp thời động viên giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn…
Có thể thấy, mặc dù đạt được kết trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn, song vấn đề ô nhiễm bom mìn, vật nổ vẫn đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng, người dân bị thương tích từ bom mìn sót lại vẫn phải đối mặt. Chính vì vậy, cùng với rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tạo việc việc làm; hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật… Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương