Kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh sinh viên
(LĐXH) - Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp sáng tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng, tạo những điều kiện thuận lợi để hoc sinh sinh viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Để có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tốt, các cơ sở GDNN đã không ngừng nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh sinh viên; bước đầu hình thành và phát triển nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt tham gia vào các cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức nhằm tìm kiếm, phát hiện chủ thể khởi nghiệp đích thực; thực hiện phương châm khởi nghiệp để thành doanh nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức kỹ năng về khởi nghiệp của học sinh sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần tạo việc làm sau khi tốt nghiệp, Trường Cao đẳng Quảng Nam nói riêng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước nói chung triển khai thực hiện nhiều hình thức phát triển các ý tưởng, cung cấp các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu được khởi nguồn từ những việc nhỏ xuất hiện trong cuộc sống; góp phần giúp học sinh, sinh viên phát huy được năng lực, phẩm chất cá nhân, mạnh dạn, thúc đẩy phong trào lập thân lập nghiệp, tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi trong nhà trường.

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tập trung các nội dung:
- Tuyên truyền, giáo dục cho người học nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tự tạo việc làm. Nội dung này đòi hỏi các cơ sở GDNN phải thực hiện các biện pháp cụ thể để nâng cao nhận thức của người học về hoạt động khởi nghiệp. Khởi nghiệp nhằm tạo lập doanh nghiệp hay tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.
- Khoa học, tri thức về khởi nghiệp luôn đổi mới đáp ứng xu thế phát triển của xã hội. Chính vì vậy cập nhật xu hướng giáo dục toàn cầu; các chương trình giáo dục khởi nghiệp của địa phương, quốc gia và thế giới; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của nhà nước; các vườn ươm, không gian khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài là việc làm hết sức cần thiết góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, bám sát được những yêu cầu của thực tiễn khách quan.
- Các nội dung trọng tâm của hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đòi hỏi các cơ sở GDNN cần phải chú trọng là đào tạo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp; Xây dựng các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân vào công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp; Xây dựng chương trình ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ người học hình thành, hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của người học với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân; Hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite.
Để triển khai các nội dung hỗ trợ trên, đòi hỏi cơ sở GDNN phải nỗ lực thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác nhau. Tuy nhiên, muốn hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp thành công các cơ sở GDNN phải kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh sinh viên của mình. Kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp là kết nối mang tính tất yếu khách quan trong qua trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực có chất lượng cao đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh, nó vừa là mục tiêu vừa là động lực để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp với chức năng là giúp các hội viên đạt được khát vọng của mình trở thành những doanh nhân thành đạt thông qua các chương trình học tập, tư vấn, xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ chặt chẽ khoa học trong tổ chức, khả thi về ứng dụng và chuyên nghiệp trong cách tổ chức hoạt động, giúp các hội viên gia tăng khả năng tạo dựng và phát triển các mối quan hệ kinh doanh dài lâu, bền chặt với đúng đối tượng khách hàng và đối tác. Ngoài ra các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp là đại diện cho lực lượng doanh nhân khởi nghiệp trong các quan hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế theo quy định pháp luật, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp. Với lợi thế kết nối, các cơ sở GDNN phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ở các cấp độ khác nhau từ Trung ương đến các địa phương nhằm tổ chức tuyên truyền, giáo dục khởi nghiệp cho người học thông qua các hoạt động giáo dục; các video clip, hình ảnh, ấn phẩm; qua tài liệu và các phương tiện truyền thông; Tổ chức cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho người học; Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp; Thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới cựu học sinh, sinh viên đã tham gia khởi nghiệp; Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của người học với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp.

2. Thực trạng và kinh nghiệm kết nối ở Trường Cao đẳng Quảng Nam
Hầu hết các cơ sở GDNN đều nhận thức đúng về trách nhiệm cũng như xác định rõ tầm quan trọng của Nhà trường trong việc hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp, một số trường đã mạnh kết nối với doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ. Trước hết, kết nối để tăng cường hoạt động giáo dục khởi nghiệp. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp phối hợp với các cơ sở GDNN đang xây dựng lộ trình tạo dựng và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong học sinh sinh viên phù hợp với đặc điểm của nhà trường và xu thế hiện nay. Bố trí cơ sở vật chất, hình thành các không gian khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo phù hợp với các nhóm ngành nghề đào tạo; bố trí đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ mạnh để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên từ việc tư vấn, hình thành ý tưởng đến việc kết nối các hoạt động triển khai dự án, ý tưởng khởi nghiệp.
Hiện nay, nhiều cơ sở GDNN đã kết nối với tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp các cấp, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các không gian khởi nghiệp trong nhà trường và lồng ghép đào tạo khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Tại Quảng Nam, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai sâu rộng, đặc biệt một số trường cao đẳng đã chủ động phối hợp với Ban điều hành khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh tổ chức các diễn đàn, hội thảo, sự kiện… về kỹ năng, kiến thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp quốc gia và vùng. Một số cơ sở đã liên kết với doanh nghiệp nhằm kêu gọi tài trợ nguồn kinh phí hỗ trợ dự án khởi nghiệp đến học sinh sinh viên. Đồng thời, nhà trường mở rộng hoạt động liên kết với các nhà tài trợ gây dựng quỹ để hỗ trợ dự án, sáng kiến sản xuất thử,... Một số cơ sở GDNN triển khai thí điểm dự án khởi nghiệp của học sinh sinh viên tại cơ sở đào tạo theo hướng liên kết 3 nhà hiệu quả. Nhà trường cùng với các trung tâm khởi nghiệp các huyện liên kết với các doanh nghiệp, nhà tài trợ sớm hình thành vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo tại trường. Sinh viên tại các cơ sở GDNN có thêm cơ hội tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng về khởi sự kinh doanh. Nhờ đó, học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không chỉ làm việc tại các doanh nghiệp ở tất cả các vị trí công tác mà có thể tự tổ chức kinh doanh hàng hóa và dịch vụ hoặc thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, tự tạo việc làm.
Nhìn chung, vấn đề khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN từng bước khởi sắc, số lượng sinh viên khởi nghiệp ngày càng tăng lên; điều đó cho thấy học sinh sinh viên có sự chuyển biến về nhận thức và có sự nỗ lực vươn lên khởi nghiệp, góp phần tạo ra việc làm không chỉ cho bản thân mà còn tạo nhiều việc làm cho người khác, tạo cảm hứng cho những lớp người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, vững tin trên con đường hội nhập.

Trong những năm qua Trường Cao đẳng Quảng Nam không ngừng quan tâm đến công tác giáo dục khởi nghiệp, coi giáo dục khởi nghiệp là khâu trọng tâm nhằm tăng cường nhận thức về vị trí và vai trò của hoạt động khởi nghiệp. Nhà trường đã kết nối với doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong việc tăng cường giáo dục khởi nghiệp bằng nhiều hình thức: xây dựng và đưa nội dung kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo lồng nghép với các kỹ năng mềm liên quan khác như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng thương lượng và đàm phán kinh doanh… vào môn học kỹ năng mềm- môn học bổ trợ nằm trong chương trình đào tạo. Trong quá trình giảng dạy môn học này, giảng viên xây dựng các mô-đun kiến thức để trang bị cho học sinh sinh viên, giúp học sinh sinh viên hiểu được bản chất của khởi nghiệp. Bên cạnh với việc đưa môn kỹ năng mềm vào các chương trình đào tạo của các ngành nghề trong giảng dạy, Nhà trường còn phối hợp với Ban Điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh để mở các lớp bồi dưỡng thường xuyên hàng năm. Đội ngũ giảng dạy ở các lớp này bao gồm các chuyển gia được mời chọn trong phạm vi cả nước, những giảng viên có thâm niên và kỹ năng khởi nghiệp tốt ở các trung tâm khởi nghiệp lớn của các trường đại học, hiệp hội khởi nghiệp quốc gia…
Để tăng cường nhận thức về giáo dục khởi nghiệp trong những năm qua Trường Cao đẳng Quảng Nam đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Ban Điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp; đặc biệt đã tổ chức một hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Khởi nghiệp sáng tạo và liên kết doanh nghiệp- phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới”, xuất bản kỹ yếu khoa học với 45 báo cáo tham luận và một Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: "Phát triển ý tưởng khởi nghiệp của học sinh sinh viên, kết nối doanh nghiệp, định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế" xuất bản kỹ yếu khoa học quốc tế với 44 bài tham luận. Đây là những hội thảo khoa học lớn mang tầm quốc gia và quốc tế có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý ở nhiều trường đại học, cao đẳng góp phần lan tỏa ý tưởng khởi nghiệp đến học sinh sinh viên của Trường Cao đẳng Quảng Nam nói riêng và các cơ sở đào tạo của cả nước nói chung.
Đội ngũ giảng viên trong nhà trường luôn được học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Trong quá trình giảng dạy giảng viên lồng ghép kiến thức chuyên môn với kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Cùng với công tác giảng dạy, đội ngũ nhà giáo của Trường phải tham gia công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và thực hiện các đề tài về thiết bị đào tạo tự làm, các sáng kiến cải tiến, viết bài tham luận, công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học. Các hoạt động này luôn có sự tham gia tích cực của học sinh sinh viện. Nhiều sản phẩm khoa học được trưng bày tại các hội chợ do các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn quốc tổ chức và được khách hàng đánh giá cao. Điều này giúp cho học sinh sinh viên nâng cao được trình độ chuyên môn, tự tin trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Việc liên kết với doanh nghiệp tài trợ nguồn kinh phí hỗ trợ dự án khởi nghiệp đến học sinh sinh viên đang được Nhà trường triển khai tích cực và hiệu quả. Nhà trường đang mở rộng hoạt động liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà tài trợ gây dựng quỹ để hỗ trợ dự án, sáng kiến sản xuất thử. Nhờ đó, học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không chỉ làm cán bộ, nhân viên cho các doanh nghiệp mà có thể tự bản thân kinh doanh một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó để tự làm chủ ý tưởng kinh doanh của mình. Tại một số địa phương, đã tổ chức giao lưu khởi nghiệp giữa cựu học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Nhà trường. Từ những hoạt động này, nhiều ý tưởng đã được các doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện khởi nghiệp. Qua khảo sát thực tế, bình quân mỗi năm có 11-12% học sinh sinh viên của Nhà trường tự lập nghiệp, khởi nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đáng kích lệ, ở Nhà trường vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh sinh viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo. Các em chưa có ý thức chấp nhận thách thức, rủi ro, thậm chí là thất bại, chưa có đủ bản lĩnh và kiên nhẫn để vượt thách thức, vượt lên chính mình để khởi nghiệp...

3. Một số ý tưởng mang tính đột phá trong việc hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp
Với mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp của học sinh sinh viên. Các cơ sở GDNN cần thực hiện một số hàm ý về cách thức thực hiện đột phá trong việc hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp như sau:
Một là, Đẩy mạnh kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ trong công tác giáo dục khởi nghiệp: bao gồm các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức, kỹ năng về ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp cho người học. Các cơ sở GDNN cần phải lồng ghép kiến thức khởi nghiệp vào những môn học, mô-đun thậm chí bố trí một môn học giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo của từng ngành nghề; đồng thời phối hợp với đoanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho người học đi sâu từng chuyên đề cụ thể gắn với ngành nghề đào tạo liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để trang bị cho người học phương pháp xây dựng ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp.
Hai là, Kết nối có hiệu quả giữa nhà trường với tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo thông qua mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức; kết nối với doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng khởi nghiệp thông qua thực tập rèn nghề: Mặt khác, nhà giáo cần chủ động thu hút học sinh sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, thậm chí hướng dẫn để học sinh sinh viên tự lập nhóm nghiên cứu khoa học, tự tạo ra các sản phẩm khoa học và các cơ sở GDNN tạo cơ chế chính sách khuyến khích để học sinh sinh viên tham gia vào quá trình thương mại hóa sản phẩm khoa học thông qua các hoạt động do các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tổ chức. Đây là giải pháp góp phần nâng cao năng lực khởi nghiệp sáng tạo cho người học, đồng thời gắn với nâng cao chất lượng đào tạo từng ngành học, bậc học trong Nhà trường.
Ba là, thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới cựu học sinh, sinh viên đã tham gia khởi nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của người học với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp. Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp: xây dựng các chương trình đào tạo cho từng ngành nghề, cơ sở GDNN cần phải chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân vào công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp gắn với cơ sở trang thiết bị đào tạo để tiếp cận thực tế sản xuất kinh doanh và yêu cầu thị trường. Xây dựng chương trình ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ người học hình thành, hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của người học với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân.
Bốn là, Nhà trường thường xuyên phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp tổ chức cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học của Trường. Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho người học. Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.
Năm là, Nâng cao hiệu quả công tác kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong việc đẩy mạnh công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, thông qua tư vấn hướng nghiệp giúp người học hiểu rõ được các ngành nghề đang được đào tạo và xem xét sự phù hợp với tính cách và niềm đam mê, từ đó phát huy được sở trường của từng người học để họ phấn đấu thực hiện các ý định khởi nghiệp thành công./.
Vũ Thị Phương Anh