Huyện Yên Dũng khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
(LĐXH)- Thời gian qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) đã thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” để giúp đỡ, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tri ân người có công và gia đình người có công.
Trải qua các cuộc kháng chiến, huyện Yên Dũng đã tiễn đưa hơn 70 nghìn lượt thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Toàn huyện có trên 2.500 liệt sỹ, trên 2.000 thương binh, bệnh binh và hơn 2.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất hóa học, 228 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Huyện được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cùng với 10 xã gồm: Cảnh Thụy, Tư Mại, Nội Hoàng, Tiền Phong, Tân An, Hương Gián, Quỳnh Sơn, Xuân Phú, Đồng Việt, Trí Yên.
Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện đã tích cực thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tham gia hưởng ứng các phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống cho nhân dân nói chung và các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nói riêng.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đến thăm, tặng quà người có công tại xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng dịp 27/7/2024 (ảnh: TL)
Phòng LĐXBXH đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chính sách xã hội, nhất là thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công; tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, các đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên địa bàn huyện. Phòng cũng tiếp nhận, xử lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các chế độ cho người có công đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ngày 25/9 vừa qua, UBND huyện tổ chức lễ truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Lưu Thị Mừng, thôn Thành Công, xã Tiền Phong. Mẹ Lưu Thị Mừng có 2 người con trai là liệt sĩ Thân Văn Kiên và liệt sỹ Thân Văn Miên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Phát biểu tại đây, lãnh đạo huyện đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới Mẹ và thân nhân gia đình người có công với cách mạng; mong muốn thân nhân, gia đình được tặng thưởng danh hiệu cao quý tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; động viên con cháu hăng hái tham gia các phong trào thi đua tại địa phương, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.
Lễ truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Lưu Thị Mừng
(ảnh: TL)
Bên cạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, trong những dịp lễ, Tết, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn thực hiện mô hình “bữa cơm tri ân”.
Tại các điểm đến của mô hình, các đoàn viên, thanh niên và chiến sỹ tình nguyện sẽ cùng thăm hỏi, tặng quà, nấu và dùng “bữa cơm tri ân” cùng với các mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ và các gia đình có công với cách mạng. Từ đó, mang lại không khí ấm cúng, vui vẻ khi quây quần bên mâm cơm gia đình.
Cùng với đó, đến nay, các cấp bộ Đoàn đã giúp đỡ 213 lượt gia đình chính sách, người có công; tổ chức 5 buổi khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe miễn phí cho hơn 1.000 người là thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; thăm, tặng hàng trăm suất quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, người có công.
Cùng với lực lượng thanh niên, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện cũng tổ chức hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, xét duyệt hồ sơ, tiếp nhận chi trả chế độ chính sách; khám, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ thu hoạch mùa màng, chăm sóc vườn cây cho các gia đình chính sách, người có công…/.
Hồng Hà
TAG: