Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo về thông tin được xem là một “lối mở” giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, kiến thức, kinh nghiệm hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững.
Tập huấn Chương trình MTQG giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện chỉ đạo các cơ quan, ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để xác định rõ nguyên nhân, từ đó xây dựng kế hoạch và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Xác định giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng trong phát triển KT-XH cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, huyện Yên Dũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin bằng nhiều hình thức.
Đối với Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, trong đó có Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin, tổng số vốn được giao năm 2022-2023 là 103 triệu đồng. Phòng Văn hóa và Thông tin đã hợp đồng với Trung tâm Văn hoá - Thông tin huyện nghiên cứu xây dựng nội dung tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng của huyện về thực hiện Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin phù với tình hình thực tế của huyện. Kết quả đã giải ngân 103 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Về Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, huyện được phân bổ 82 triệu đồng, đã chỉ đạo phòng chuyên môn trong việc xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Kết quả đã giải ngân 82 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao.
Trung tâm Văn hóa -Thông tin và Thể thao huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân theo dõi thông tin trên các chương trình phát thanh, truyền hình của huyện; trang điện tử; các kênh truyền thông đại chúng; loa phát thanh; mạng xã hội như Facebook, Zalo… Nội dung tập trung vào việc tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với người dân; mô hình sản xuất, những tấm gương vượt khó thoát nghèo…Từ những thông tin nắm được trên truyền thông, người nghèo biết được Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đó tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Nhìn chung, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Yên Dũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường. Các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và tỉnh được thực hiện kịp thời, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của người dân. Chương trình giảm nghèo đã được lồng ghép chặt chẽ với Chương trình phát triển KT-XH của địa phương; công tác vận động xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo được quan tâm thực hiện. Nhiều giải pháp, chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo một cách thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Năm 2023, huyện Yên Dũng còn 486 hộ nghèo, bằng 1,18%; hộ cận nghèo còn 780 hộ, bằng 1,89%.
Thời gian tới, huyện Yên Dũng xác định tiếp tục tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình giảm nghèo.
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác giảm nghèo. Thông qua hoạt động truyền thông góp phần nâng cao ý thức của người dân thích ứng với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và có tư duy, ý chí làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu./.
Thu Hương