Huyện Xuân Trường tích cực triển khai chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công không dùng tiền mặt
(LĐXH) Chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) và người có công (NCC) không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), UBND tỉnh Nam Định và phù hợp với công cuộc chuyển đổi số. UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã và đang tích cực triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt, tuy nhiên công tác này hiện vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập.
Thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt; Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022 của LĐTBXH về việc hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH; Công văn số 195/SLĐTBXH-KHTC ngày 31/01/2023 của Sở LĐTBXH Nam Định về việc hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH, UBND huyện Xuân Trường và các cơ quan chuyên môn của huyện đã tập trung tuyên truyền và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc chi trả trợ cấp cho đối tượng BTXH và NCC không dùng tiền mặt bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.
Ngày 7/2/2023, UBND huyện Xuân Trường đã gửi Công văn tới Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong huyện; UBND các xã, thị trấn hướng dẫn việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH; Nội dung các bước tiến hành việc thu thập, cập nhật thông tin tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách ASXH trên địa bàn; Xác thực thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Sau khi xác thực xong, UBND xã, thị trấn gửi danh sách về Phòng LĐTBXH tổng hợp, báo cáo Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định.
Về thời gian thực hiện, theo Công văn số 40 của UBND huyện Xuân Trường, việc lập danh sách các đối tượng BTXH, NCC, thân nhân NCC với cách mạng và một số diện chính sách có liên quan đang hưởng trợ cấp hằng tháng: hoàn thành trước 25/2/2023; Các đối tượng hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ: Hoàn thành trước 25/4/2023; Các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: Hoàn thành trước 25/5/2023.
Về tiến độ triển khai rà soát làm sạch dữ liệu các đối tượng hưởng chính sách ASXH trên địa bàn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các đối tượng BTXH, NCC, thân nhân NCC với cách mạng và một số diện chính sách có liên quan đang hưởng trợ cấp hằng tháng: Hoàn thành trong tháng 3/2023; Các đối tượng hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ: Hoàn thành trong tháng 5/2023; Các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: Hoàn thành trong tháng 6/2023.
Đối với các đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần, trợ cấp đột xuất (trợ cấp 1 lần đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được truy tặng; các đối tượng theo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trợ cấp khi NCC từ trần; ưu đãi học sinh, sinh viên; hỗ trợ chi phí mai táng đối với đối tượng BTXH tại cộng đồng khi chết, hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền...): Khi làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp, công chức LĐTBXH cấp xã thực hiện thu thập, cập nhật thông tin tài khoản của đối tượng hoặc tài khoản của người được ủy quyền.
Có thể nói, việc chi trả tiền chính sách ASXH không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh Nam Định và phù hợp với công cuộc chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Việc thay đổi phương thức chi trả từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt là rất cần thiết, tiền hỗ trợ được chuyển đến người nhận rất nhanh, đúng ngày quy định, đảm bảo an toàn, minh bạch, rõ ràng; mọi giao dịch đều được kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống điện tử. Công tác kiểm tra, xác minh thực hiện dễ dàng, từ đó hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình vận chuyển, giữ tiền mặt đối với các tổ chức chi trả. Tuy nhiên, công tác này ở huyện Xuân Trường hiện vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập nhất định, dẫn đến việc triển khai chưa đạt tiến độ đề ra.
Theo Phòng LĐTBXH huyện Xuân Trường, tính đến hết tháng 10/2023 mới có 2.892/4.520 đối tượng NCC ở huyện có tài khoản ngân hàng. Đối tượng NCC chủ yếu là những người cao tuổi; số mở tài khoản và tài khoản uỷ quyền mới đạt 68%. Thêm vào đó, điều kiện hạ tầng dịch vụ còn nhiều bất cập. Hiện nay trên địa bàn huyện Xuân Trường có 4 ngân hàng; nhưng chỉ có ngân hàng AGRIBANK là có 4 cây ATM nên chưa thuận lợi cho đối tượng rút tiền, thường đối tượng NCC và BTXH phải đi xa khoảng 5 - 8 km mới có một cây ATM để rút tiền mặt về chi dùng. Các ngân hàng thì chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm huyện.
Đối tượng BTXH chủ yếu là người cao tuổi, người tâm thần, người bị liệt, số tiền trợ cấp ít; nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn; mong muống của đối tượng là được lĩnh tiền mặt.
Theo chỉ đạo của Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định, huyện thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng NCC vào tháng 12/2023, chi trả thí điểm tại Thị trấn Xuân Trường. Tháng 1/2024 sẽ chi trả cho đối tượng NCC đã có tài khoản tại các xã trên địa bàn huyện ./.
Hải Uyên