Huyện Tuy Phước (Bình Định): Hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm nghèo
(LĐXH)- Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) đang nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Đến nay, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch, qua đó giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Đoàn công tác của huyện đến học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Các chế độ, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, khuyến khích hộ thoát nghèo được huyện giải quyết theo đúng quy định về quy trình, hồ sơ, thủ tục và giải quyết theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội.
Đặc biệt, huyện Tuy Phước đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thông tin nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo. Trong giai đoạn 2021-2024, huyện đã tổ chức 09 hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện với gần 2.000 người dân trực tiếp thụ hưởng Chương trình; tổ chức 52 lượt giám sát tại các xã, thị trấn về kết quả thực hiện các dự án, chính sách, mức độ tiếp cận của đối tượng thụ hưởng chính sách và hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ trên địa bàn.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2024 phân bổ cho huyện Tuy Phước là 20,9 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương (vốn sự nghiệp) là 18,6 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh là 1,9 tỷ đồng; Ngân sách huyện 347 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã tập trung thực hiện các dự án thành phần của Chương trình, trong đó đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện đã triển khai thực hiện 14 dự án (gồm 13 dự án lĩnh vực nông nghiệp và 01 dự án lĩnh vực phi nông nghiệp) với 199 hộ tham gia, đạt 100,76% kế hoạch vốn. Thực hiện Tiểu Dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Dự án 3, đã triển khai thực hiện 05 dự án chăn nuôi bò cái sinh sản hỗ trợ cho 90 hộ tham gia, đạt 101,29% kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, huyện còn tập trung thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Trong giai đoạn 2021-2024, đã tổ chức mở 51 lớp đào tạo nghề cho 1.679 người lao động, trong đó có 31 lớp lĩnh vực nông nghiệp với 1.041 học viên và 20 lớp lĩnh vực phi nông nghiệp với 638 học viên; tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn.
Đối với Tiểu Dự án 1: Giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án 6, tổng kinh phí phân bổ 354 triệu đồng, huyện đã thực hiện đạt 100% kế hoạch vốn. Trong đó đã tổ chức 4 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 685 cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cấp huyện, xã, thị trấn ở các thôn, khu phố và xây dựng 03 câu chuyện truyền thanh phát sóng trên Đài Truyền thanh cấp xã, mở chuyên mục về giảm nghèo bền vững trên hệ thống truyền thanh địa phương.
Cùng với đó, Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, huyện đã thực hiện đạt 100% kế hoạch vốn. Kết quả, đã xây dựng kế hoạch và đã tổ chức 09 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở; tổ chức đoàn công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Quảng Bình và tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề; giám sát, đánh giá các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế ở các xã, thị trấn; xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, trên địa bàn huyện đã có hơn 17.627 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng doanh số cho vay 771,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 31/12/2024 đạt 631,1 tỷ đồng, với gần 13.000 hộ vay còn dư nợ; Đã gia hạn và cấp mới 149.059 thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng; Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng. Trong công tác hỗ trợ người nghèo về nhà ở, từ nguồn kinh phí vận động các tổ chức, cộng đồng, cá nhân ủng hộ đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 137 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với số tiền trên 7,52 tỷ đồng; hỗ trợ 43 nhà ở bị sập hoàn toàn, 26 nhà ở bị hư hỏng nặng do mưa lũ gây ra với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Ước đến ngày 31/12/2024, thực hiện hỗ trợ tiền điện cho gần 26.500 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng số tiền gần 05 tỷ đồng. Các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được trên 2,49 tỷ đồng và tiếp nhận 1,78 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết.
Thông qua việc thực hiện hiệu quả các dự án, chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tuy Phước đã giảm theo hướng bền vững. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều từ 8,27% cuối năm 2021 giảm còn 1,93% cuối năm 2024 (giảm 6,34%), trong đó hộ nghèo còn 295 hộ, chiếm tỷ lệ 0,54%, giảm 4,39%, vượt 0,39% so giai đoạn 2020- 2025 (bình quân hằng năm giảm 1%); hộ cận nghèo còn 767 hộ, chiếm tỷ lệ 1,39%, giảm 1,95%. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn hỗ trợ việc làm, chuyển đổi việc làm, đầu tư sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn tín dụng ưu đãi. 100% cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, thông tin và truyền thông từ huyện đến cơ sở được tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Duy trì hộ nghèo không còn ở nhà đơn sơ, tạm bợ.
Có được kết quả trên là do huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc ban hành các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo. Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng dân cư trong việc lựa chọn, đề xuất các công trình được đầu tư gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân, địa phương, không dàn trải, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để người dân tham gia thi công, quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đồng thời thực hiện việc rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo thông tin khách quan, chính xác, đánh giá đúng thực trạng nguyên nhân nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, để từ đó có các giải pháp phù hợp, khả thi đối với từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ ở cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội và sự tham gia của cộng đồng. Quan tâm xây dựng, tổ chức và bố trí cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở./.
Hồng Phượng
TAG: